Ukraine vừa hứng vụ tấn công mới, quan hệ Mỹ-Trung, Israel quyết định sẽ đáp trả Iran, Hàn Quốc tập bắn đạn thật gần biên giới Triều Tiên, Australia công bố chiến lược phòng thủ quốc gia... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Một tòa nhà bị hư hại sau khi thành phố Chernihiv của Ukraine bị tấn công tên lửa, sáng 17/4. (Nguồn: Reuters) |
Nga-Ukraine
* Khả năng tướng Ukraine thiệt mạng trong vụ tấn công tên lửa sáng 17/4, sau loạt cảnh báo không kích ở Kiev, Chernihiv, Odessa, Nikolaev, Poltava cùng các khu vực khác của Ukraine, theo kênh Telegram “Quan sát viên quân sự”.
Truyền thông địa phương đưa tin, 3 tên lửa phóng từ máy bay đã nhắm mục tiêu vào sở chỉ huy Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) nằm trong khách sạn Profsoyuznaya ở Chernihiv. Theo người dân địa phương, tòa nhà đã bị hư hại đáng kể và một lượng lớn xe cứu thương đã có mặt tại hiện trường.
Thông tin ban đầu cho biết, cuộc tấn công xảy ra vào thời điểm đang diễn ra cuộc họp của lãnh đạo Sở chỉ huy tác chiến nhóm quân “phương Bắc” của VSU với sự tham gia của Trung tướng Dmitry Krasilnikov, người chỉ huy nhóm quân này từ năm 2023.
Sau cuộc tấn công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đối tác phương Tây có đủ quyết tâm và hỗ trợ trang thiết bị phòng không cho Kiev. (Reuters)
* Trung Quốc-Đức ủng hộ hội nghị hòa bình: Ngày 16/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, trong cuộc gặp của ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, hai bên nhất trí ủng hộ hội nghị hòa bình cấp cao về Ukraine tại Thụy Sỹ vào tháng 6 và các hội nghị hòa bình quốc tế trong tương lai.
Về phía Bắc Kinh, ngày 17/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho rằng, cuộc họp liên quan về hội nghị này vẫn đang được chuẩn bị và "còn rất nhiều việc phải làm”, đồng thời nhấn mạnh, cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine "nằm trên bàn đàm phán". (AFP)
* Na Uy chuyển giao F-16 trang bị vũ khí mới nhất cho Ukraine, theo kế hoạch do Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Espen Barth Eide công bố ngày 16/4.
Mặc dù vẫn chưa xác định chính xác số lượng máy bay F-16 được chuyển giao, nhưng Bộ trưởng Eide lưu ý đó là con số “rất đáng kể”. (The New Voice of Ukraine)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine thừa nhận một sự thật cay đắng, nói thua Nga 10 lần về một thứ, tuyên bố 'hết tên lửa' |
Mỹ-Trung Quốc
* Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc điện đàm trong ngày 16/4 để thảo luận về quan hệ quốc phòng giữa hai nước cũng như các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì các đường dây liên lạc quân sự giữa hai nước và khẳng định Washington sẽ tiếp tục các hoạt động của tàu thuyền và máy bay “một cách an toàn và có trách nhiệm ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Ông cũng nhấn mạnh về việc tôn trọng quyền tự do hàng hải trên biển được bảo đảm bởi luật pháp quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông, đồng thời đề cập xung đột Nga-Ukraine và vấn đề Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Mỹ vẫn cam kết thực hiện chính sách lâu dài Một Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Về phía Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân, ông lưu ý Bắc Kinh và Washington cần tìm cách xây dựng mối quan hệ hợp tác, thực chất giữa quân đội hai nước và "dần dần xây dựng lòng tin lẫn nhau".
Ông cũng khẳng định, vấn đề Đài Loan là "trọng tâm trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và không bao giờ được đụng đến. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bộ trưởng Tài chính Yellen: Chưa rõ quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ tiếp diễn thế nào |
Châu Âu
* Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) từ chức khi cho rằng, các nhà lãnh đạo EU đã thất bại trong tất cả các dự án lớn mà chính họ lựa chọn, viện dẫn các chính sách chuyển đổi xanh, trừng phạt và di cư...
Trước đó, ông Orban đã chỉ trích hiệp ước di cư mới của EU, tuyên bố chính phủ Hungary sẽ không ủng hộ việc thông qua văn kiện này. (Report)
* Pháp-Azerbaijan căng thẳng: Ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Azerbaijan để tham vấn liên quan việc Paris cáo buộc Baku có những hành động đơn phương gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai bên trong những tháng gần đây".
Bộ trên nhấn mạnh: “Pháp nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia, đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của hai nước”.
Phản hồi cáo buộc, Azerbaijan tố Pháp đang gây sức ép và đe dọa nước này nhưng sẽ "không đem lại bất cứ kết quả nào", đồng thời tuyên bố Baku sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.
Baku cũng cáo buộc Paris thực hiện các hành động cản trở nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Azerbaijan với Armenia, một đồng minh truyền thống của Pháp. (AFP)
* Nga trả đũa Estonia, Australia: Ngày 17/4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, nước này đã trục xuất một quan chức Đại sứ quán Estonia làm việc tại Moscow nhằm đáp trả động thái tương tự của Tallinn.
Bộ trên cũng tuyên bố nước này đã cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với 235 ủy viên hội đồng thành phố Australia vì cái mà Moscow gọi là "chương trình nghị sự chống Nga". (Reuters)
* Croatia bắt đầu bầu cử Quốc hội trong ngày 17/4, sau chiến dịch tranh cử quyết liệt giữa Thủ tướng Andrej Plenkovic và Tổng thống Zoran Milanovic.
Trong nhiều tháng, ông Plenkovic và Liên minh dân chủ Croatia (HDZ) cầm quyền của ông dường như đã sẵn sàng cho một chiến thắng dễ dàng để đảm bảo nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 của ông.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 3 năm nay, ông Milanovic đã đưa ra thông báo gây sốc rằng, ông sẽ thách thức ông Plenkovic và trở thành ứng cử viên Thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội (SDP). (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga chính thức lên tiếng về lệnh cấm mới của Mỹ, nhấn mạnh 'hoàn toàn bất hợp pháp' |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Australia công bố chiến lược phòng thủ quốc gia đầu tiên vào ngày 17/4, trong đó đưa ra đánh giá ảm đạm về tình hình an ninh của khu vực Thái Bình Dương và đặt ra mức tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng để tái trang bị cho quân đội quốc gia nhằm đối phó với các thách thức.
Theo Chiến lược, Australia sẽ tập trung vào các kế hoạch phát triển một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tàng hình, tăng năng lực tên lửa chủ chốt lên gấp 3 lần và phát triển một hạm đội tác chiến mặt nước lớn. (AFP)
* Australia-Hàn Quốc nhất trí hợp tác chặt chẽ trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo kết quả cuộc hội đàm giữa đặc phái viên của Hàn Quốc Chung Kee-yong và Phó thư ký Nhóm điều phối và lập kế hoạch chiến lược tại Bộ Ngoại giao Australia Elly Lawson.
Hai bên đã nhất trí hợp tác với tư cách là những đối tác có cùng giá trị cốt lõi, đồng thời chia sẻ nhu cầu về "truyền thông chiến lược" và "thể chế hóa hợp tác". (Yonhap)
* Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Triều Tiên, nhằm nâng cao năng lực tác chiến chung của Lục quân và Thủy quân lục chiến để đối phó hiệu quả hơn các mối đe dọa, theo thông báo của Lục quân Hàn Quốc ngày 17/4.
Khoảng 430 binh sĩ thuộc Quân đoàn Thủ đô và Sư đoàn thủy quân lục chiến số 2 đã tham gia cuộc tập trận được tổ chức tại trường bắn ở Cherwon, cách Seoul 85 km về phía Đông Bắc.
Cuộc tập trận huy động 30 đơn vị pháo tự hành K9 và K55A1, cũng như các radar phản pháo và thiết bị bay không người lái trinh sát. (Yonhap)
* New Zealand-Thái Lan sẽ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2026, theo kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và người đồng cấp Thái Lan Srettha Thavisin tại thủ đô Bangkok ngày 17/4.
Theo Thủ tướng New Zealand, nước này và Thái Lan có nhiều điều để trao đổi với nhau và có mong muốn mạnh mẽ chung là xây dựng mối quan hệ song phương nồng ấm, lâu dài.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các cơ hội tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục và giao lưu nhân dân và kinh tế. (AP)
* Bầu cử Quần đảo Solomon: Ngày 17/4, người dân Quần đảo Solomon bắt đầu đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử có thể định hình lại an ninh khu vực, với việc các cử tri sẽ đưa ra những lựa chọn để xem liệu quốc gia Thái Bình Dương của họ có làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Trung Quốc hay không.
Thủ tướng của Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh nếu ông tái đắc cử, trong khi những đối thủ chính của ông muốn giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở quần đảo này. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Australia tung Chiến lược phòng thủ quốc gia đầu tiên: Định hình lại quân đội, mạnh tay với khoản đầu tư lịch sử |
Trung Đông-châu Phi
* Israel quyết định đáp trả cuộc tấn công của Iran: Ngày 16/4, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi tiết lộ, IDF quyết định cách thức họ sẽ phản công Iran và các lực lượng ủy nhiệm, nhưng vẫn chưa quyết định về thời điểm thực hiện.
Israel đang tạo điều kiện để người dân có thể hưởng trọn vẹn tuần lễ Quá hải sau tháng lễ Ramadan. Việc chuẩn bị cho kế hoạch đáp trả là hết sức phức tạp và sẽ còn nhiều điều chỉnh nên chưa thể ấn định được thời gian.
Ngày 17/4, Ngoại trưởng Anh David Cameron xác nhận, "rõ ràng là Israel đang đưa ra quyết định hành động", đồng thời hy vọng cuộc trả đũa sẽ diễn ra theo cách "ít gây leo thang nhất có thể". (The Guardian, AFP)
* Mỹ-Anh tiến hành 2 cuộc không kích vào thành phố Hodeidah (Yemen), cụ thể là ở huyện Bajil ở phía Đông thành phố này.
Người dân địa phương xác nhận trên các nền tảng mạng xã hội rằng họ nghe thấy âm thanh của máy bay chiến đấu, đồng thời nhìn thấy các vụ nổ gần các vị trí quân sự của Houthi. (Al-Masirah)
* Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế các hành động thù địch ở Trung Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang đáng lo ngại giữa Israel và Iran.
Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ngày 16/4.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp ngày 14/4 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Guterres cũng cảnh báo “Trung Đông đáng đứng bên bờ sụp đổ” và giờ là thời điểm các bên lùi lại một bước. (UN News)
* Mỹ-EU tính toán trừng phạt Iran: Ngày 16/4, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, khối này sẽ xem xét các biện pháp cứng rắn hơn đối với việc Iran cung cấp vũ khí, bao gồm cả máy bay không người lái, cho Nga và các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông.
Theo ông, một số thành viên đề xuất áp dụng các biện pháp hạn chế mở rộng đối với Iran và ông đã yêu cầu cấp dưới "bắt đầu các công việc cần thiết liên quan đến lệnh trừng phạt".
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình tên lửa và máy bay không người lái của Iran. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Israel tiết lộ kế hoạch phản đòn Iran, Mỹ cũng chuẩn bị ra tay trên một 'mặt trận' |
Châu Mỹ
* Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ bay qua eo biển Đài Loan trong không phận quốc tế vào ngày 17/4, theo thông cáo của Hải quân Mỹ.
Lực lượng này cho hay: "Việc P-8A Poseidon bay qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Washington đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". (Reuters)
* Nhiều quốc gia Mỹ Latinh tính thu hẹp quan hệ với Ecuador sau khi lực lượng chức năng nước này đột kích Đại sứ quán Mexico ở Quito và bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas hôm 5/4.
Ngày 16/4, chính phủ Honduras tuyên bố triệu hồi Đại biện lâm thời nước này tại Ecuador để tiến hành việc tham vấn nhằm gửi đi thông điệp về “sự cần thiết của việc tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Venezuela cùng ngày cũng tuyên bố kế hoạch đóng cửa Đại sứ quán và Lãnh sự quán của nước này ở Ecuador và triệu hồi toàn bộ nhân viên ngoại giao ở các cơ quan đại diện này cho đến khi Quito đảo ngược các hành động đã thực hiện.
* Mexico đề nghị CELAC khiếu nại Ecuador lên ICJ: Ngày 16/4, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador kêu gọi các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) cùng gửi đơn khiếu nại Ecuador lên Tòa án công lý quốc tế (ICJ) về vụ đột kích hôm 5/4.
Ông López Obrador tái khẳng định, mục đích vụ kiện nhằm đình chỉ tư cách thành viên của Ecuador tại Liên hợp quốc, trừ khi Quito đưa ra lời xin lỗi công khai và cam kết không tái phạm hành động tấn công tương tự đó.
Nguồn
Bình luận (0)