Sau một thời gian dài số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam giảm rõ rệt thì từ đầu tháng 4/2023 đến nay số ca mắc có xu hướng tăng. Sự gia tăng số ca mắc mới kéo theo số ca nặng phải nhập viện điều trị tăng. Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy do vừa mắc Covid-19, cao tuổi lại có bệnh lý nền kèm theo.
Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân N.V.T, xã Hồng Bạch (Đông Hưng) điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hơn nửa tháng nay. Tuổi cao lại có tiền sử viêm phổi mạn tính, nhiều năm theo dõi u phổi nên khi mắc Covid-19 sức khỏe bệnh nhân giảm sút nhanh chóng, thể trạng yếu, người thường xuyên mệt mỏi, ho nhiều phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Người nhà bệnh nhân cho biết: Ở nhà bố tôi bị sốt, có lúc gai rét, ho nhiều. Sau khi nhập viện, các bác sĩ làm xét nghiệm test nhanh Covid-19 và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, bố tôi thường xuyên phải thở máy; đến nay tình trạng bệnh đã có tiến triển song vẫn chưa cai được máy thở.
Cũng như bệnh nhân N.V.T, bệnh nhân N.L.M điều trị tại Khoa Truyền nhiễm trong tình trạng nặng do vừa mắc Covid-19 vừa có bệnh lý nền kèm theo. Khi mới nhập viện, bệnh nhân thường xuyên lên cơn khó thở, phải thở gắng sức, niêm mạc nhợt, cơ thể yếu, mệt nhiều, nhịp tim nhanh. Ngay sau đó bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, cho thở máy, đặt ống thông dạ dày…
Không chỉ hai trường hợp trên, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp nặng do vừa mắc Covid-19 vừa có bệnh lý nền kèm theo. Bác sĩ Vũ Thị Sấu, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Nếu thời điểm trước số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại Khoa rải rác thì từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhân Covid-19 nặng phải nhập viện điều trị có xu hướng tăng. Các bệnh nhân Covid-19 tại Khoa chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, trong đó nhiều bệnh nhân suy hô hấp phải thở máy, điều trị dài ngày. Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân bị suy thận, suy tim, đột quỵ, ung thư… kèm theo Covid-19 nên việc điều trị phức tạp, phải hội chẩn nhiều chuyên khoa.
Với bệnh nhân Covid-19 kèm theo bệnh lý nền có nguy cơ trở nặng và tử vong cao nếu chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19, không được theo dõi, điều trị kịp thời. Do đó, bác sĩ Vũ Thị Sấu khuyến cáo: Ngoài việc thường xuyên khám sức khỏe, điều trị tốt bệnh lý nền người bệnh cần tuân thủ những khuyến cáo của ngành y tế. Trong bối cảnh số ca mắc có xu hướng gia tăng như hiện nay, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần thực hiện tốt khuyến cáo “2K” và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch. Bên cạnh đó, người có bệnh lý nền nên hạn chế đi đến nơi tập trung đông người không cần thiết; bảo đảm dinh dưỡng theo tình trạng bệnh lý và vận động phù hợp. Khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng khiến cho quá trình điều trị gặp khó khăn và nguy cơ tử vong cao.
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao, có ngày cả nước ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới. Sau nhiều ngày không ghi nhận bệnh nhân tử vong do Covid-19 thì những ngày gần đây đã có bệnh nhân tử vong tại một số tỉnh, thành phố, riêng ngày 2/5 ghi nhận 4 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Cùng với đó, số ca mắc mới, ca nặng vẫn đang có xu hướng tăng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều biến thể phụ mới như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Đây là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm. Trước diễn biến tình hình dịch Covid-19, mỗi người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch vì sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ nhóm có nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch kém…
Hoàng Lanh