Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kêu gặp khó với quy định về thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM (Sở đầu tiên trong cả nước) cho rằng gặp khó trong quản lý liên quan các quy định pháp luật về sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có văn bản cho hay, từ năm 2021 đến năm 2023, Sở tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm và cấp giấy đăng ký công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, theo bảng thông tin về thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Đối với các nhóm thực phẩm nêu trên, Sở gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý. Cụ thể, Nghị định nêu trên quy định sản phẩm thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm dinh dưỡng y học phải thực hiện đăng ký công bố. Tuy nhiên định nghĩa các nhóm thực phẩm trên chưa rõ ràng cụ thể, nên khó xác định xác định các nhóm sản phẩm trên để tiếp nhận việc thực hiện đăng ký công bố của cơ sở.
Đối với các sản phẩm thực hiện đăng ký công bố nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy định hiện hành chưa quy định cụ thể nên cơ sở thực hiện đăng ký công bố theo tiêu chuẩn nhà sản xuất. Cơ quan quản lý không có căn cứ để xem xét các chỉ tiêu an toàn theo tiêu chuẩn nhà sản xuất như thế nào là phù hợp.
Lấy mẫu kiểm tra VSATTP tại một siêu thị TP.HCM |
Bên cạnh đó, Nghị định nêu trên chưa quy định về việc hủy hồ sơ tự công bố sau khi cơ sở nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan.
Một số phương pháp kiểm nghiệm chưa được ban hành trong tiêu chuẩn ngành hiện hành (dược liệu/vị thuốc/thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, để tăng cường kiểm tra chất lượng mẫu trên thị trường cần bổ sung thêm nhân sự chuyên môn, đầu tư trang thiết bị. Tuy nhiên Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chưa được mua sắm thiết bị phục vụ kiểm nghiệm từ 2019 cho đến nay và kinh phí phục vụ công tác kiểm nghiệm.
Từ các khó khăn vướng mắc nêu trên, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đề xuất các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành hệ thống Quy chuẩn Quốc gia với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm để công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được chặt chẽ và hiệu quả; Kiến nghị Bộ Y tế Ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hoặc kiến nghị, sửa đổi bổ sung một số điều của này.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2024, Sở An toàn thực phẩm Thành phố qua rà soát 6.240 sản phẩm thực phẩm chức năng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh được quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, phát hiện 104 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Nguồn: https://baodautu.vn/so-an-toan-thuc-pham-tphcm-keu-gap-kho-voi-quy-dinh-ve-thuc-pham-bo-sung-san-pham-dinh-duong-d220391.html