Vàng miếng 1 chữ là mẫu vàng miếng của SJC có một ký tự chữ ở trước dãy số seri trên miếng vàng. Đây là loại vàng miếng phổ biến được SJC gia công trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. 

Nhiều ngày qua, khách hàng bán vàng miếng SJC loại một chữ hay vàng móp méo đều bị từ chối mua vào. Trước đó, năm 2016, SJC cũng từng từ chối mua vào vàng 1 chữ.

Trên thực tế, không nhiều nhà đầu tư còn găm giữ loại vàng một chữ của SJC do thời gian đã quá lâu. Tuy nhiên, với những gia đình có thói quen tích trữ vàng như một loại tài sản để cất giữ, việc có sản phẩm này trong nhà là chuyện hết sức bình thường.

Chị Đào Thu Trang (SN 1978), trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội, kể rằng, từ khi còn nhỏ, do gia đình thuộc diện “có điều kiện” nên hàng năm, tiền mừng tuổi của chị đều được mẹ mua vàng cất đi.

Cứ như vậy, trong những năm còn nhỏ, chị Trang được mẹ mua vàng từ tiền mừng tuổi hay tiền tiết kiệm của cá nhân chị. Số vàng này vẫn theo chị đến bây giờ. 

W-vang (19).jpg
Năm 2016, SJC từng không thu mua vàng miếng SJC một chữ và thay thế bằng loại vàng miếng được dập nhiều chữ. Ảnh minh họa: Minh Hiền

Không chỉ vậy, “truyền thống” mua vàng từ tiền mừng tuổi cũng được chị áp dụng triệt để đối với hai đứa con của chị. 

“Đến giờ bản thân tôi cũng không biết đã tích luỹ được bao nhiêu vàng từ cách tiết kiệm này, chỉ biết là cũng khá nhiều. Dù không có ý định bán vàng nhưng nghe thông tin SJC ngừng mua vàng 1 chữ, tôi cũng cảm thấy bất an”, chị Trang chia sẻ.

Theo lý giải của SJC, việc doanh nghiệp tạm ngừng mua vàng 1 chữ là do chưa biết khi nào Ngân hàng Nhà nước mở xưởng cho dập lại các loại vàng này.

Thông thường, với loại vàng 1 chữ cũng như vàng bị móp méo, khi công ty mua lại trên thị trường với khối lượng khoảng 1.000 lượng sẽ xin Ngân hàng Nhà nước gia công lại. Nhưng hai tuần trở lại đây, công ty đã dừng thu mua vì lượng tồn kho khá cao trong khi không được lưu thông trên thị trường, phía doanh nghiệp lại chưa biết khi nào mới được phép gia công.

Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật ANVI – cho hay, nếu không phải là vàng miếng thì mua bán tự do. Nếu là vàng miếng thì vẫn mua bán bình thường ở nơi có giấy phép kinh doanh vàng miếng.

“Việc doanh nghiệp ngừng mua, không phải là do bị pháp luật cấm đoán hay hạn chế, mà chỉ vì không đạt được lợi ích kinh doanh, như khó bán, ít lời, thậm chí bị lỗ. Vàng 1 chữ hay vàng móp méo vẫn không bị cấm lưu thông, mua bán, mà chỉ bị giảm giá vì thị trường chê”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo ông Đức, cũng vàng vật chất ấy, doanh nghiệp mất thêm chút chi phí dập lại sẽ có giá hơn hẳn. Nếu mua xong, cứ để nguyên như vậy mà bán sẽ ế, trong khi dập lại thì chưa được phép, đương nhiên doanh nghiệp dừng mua là bình thường.

“Mua tiếp thì lỗ, có khi cũng hết vốn để mua. Dập lại thì bán đắt như tôm tươi, nhưng còn phải chờ, chưa biết đến khi nào (không loại trừ lý do bị vượt quá khả năng công suất máy dập hiện tại)”.

Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, doanh nghiệp không có trách nhiệm phải mua lại vàng miếng, trừ khi đã có cam kết cụ thể với khách hàng. Đây đơn thuần là bài toán kinh doanh, không có lời thì từ chối mua.

“Câu chuyện tổng thể của nền kinh tế là: Nhà nước nên giảm sự quan tâm, can thiệp vào thị trường vàng; còn người dân phải chấp nhận rủi ro khi mua bán, tích trữ vàng”, ông Đức nêu quan điểm.

Theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

SJC hiện là công ty duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hạn mức gia công vàng miếng loại một chữ trong số seri và vàng miếng móp méo.

Theo diễn biến mới nhất, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vừa thông báo sẽ mua lại vàng miếng một chữ và móp méo từ tuần sau, thứ Hai ngày 5/8.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp hạn mức cho SJC gia công đối với số vàng công ty đang tồn kho. Đến nay, công ty này tồn kho khoảng 1.000 lượng vàng là vàng 1 chữ và móp méo.