Giá vàng miếng SJC sáng 29.5 giảm nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng. Eximbank mua vào với giá 66,4 triệu đồng, bán ra 66,8 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào 66,4 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng; Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng mua vào 66,5 triệu đồng, bán ra 66,95 triệu đồng…
Giá vàng miếng SJC giảm chậm hơn thế giới dẫn đến chênh lệch tăng lên 11,7 triệu đồng/lượng, thay vì mức 9,3 triệu đồng/lượng cách đây 2 tuần. Giá vàng nhẫn cao hơn thế giới lên đến 1,4 triệu đồng/lượng, công ty SJC mua vào 55,6 triệu đồng và bán ra 56,65 triệu đồng.
Kim loại quý quốc tế đầu tuần biến động thất thường, từ mức 1.942 USD/ounce, giá vàng tăng vọt lên 1.948,5 USD/ounce rồi nhanh chóng rớt nhanh về lại mức mở cửa đầu ngày. Vàng đã có tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp với hơn 125 USD/ounce. Các nhà đầu tư bán tháo gần đây khiến vàng liên tục đi xuống. Tuy nhiên so với đầu năm, giá vàng hiện nay vẫn cao hơn 6%.
Mỹ đã đạt được thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy – về dự kiến nâng mức trần nợ 31.400 tỉ đô la của chính phủ liên bang, chấm dứt bế tắc kéo dài nhiều tháng. Thỏa thuận sẽ nâng giới hạn nợ trong hai năm, đồng thời hạn chế chi tiêu trong thời gian đó và bao gồm một số yêu cầu làm thêm đối với các chương trình dành cho người nghèo. Bế tắc thỏa thuận trần nợ công kéo dài đã khiến thị trường tài chính hoảng sợ trong thời gian qua, đè nặng lên cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng nếu vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
Thông tin trần nợ công Mỹ có những bước khả quan trước kỳ hạn ngày 1.6 đã khiến vàng giảm nhanh. Ông Bart Melek – Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities dự báo trong tuần này, trường hợp giá vàng thủng mức hỗ trợ 1.940 USD/ounce sẽ về 1.900 – 1.915 USD/ounce.