Thời gian qua, không ít trường ĐH đẩy mạnh hợp tác quốc tế để có chương trình trao đổi sinh viên (SV) với trường ĐH nước ngoài. Thỏa thuận hợp tác đào tạo của 3 trường ĐH bách khoa và 10 trường ĐH về kinh tế trong năm 2022 có thể nói đã tiên phong mở ra một xu hướng mới – trao đổi SV ở ngay trong nước. Theo đó, SV sẽ có cơ hội trải nghiệm các môi trường học tập khác nhau ở ngay trong nước, đồng thời giao lưu, kết nối, phát triển bản thân…
Tuy nhiên, các khóa học này chưa hấp dẫn được nhiều SV.
CÓ CHƯƠNG TRÌNH CHƯA SINH VIÊN NÀO ĐĂNG KÝ
Vào cuối tháng 7.2022, 3 đơn vị đào tạo thuộc khối kỹ thuật gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã có ký kết hợp tác về việc tổ chức các khóa học trao đổi SV. Theo đó, SV một trong 3 trường này có thể đăng ký khóa học ngắn và dài hạn tại 2 trường còn lại, bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022 – 2023 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có SV nào đăng ký tham gia khiến khóa học này vẫn chưa được tổ chức.
Vào tháng 10.2022, 10 ĐH thuộc khối kinh tế cũng ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục, gồm Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thương mại, Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Kinh tế (ĐH Huế), ĐH Kinh tế TP.HCM, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng và Học viện Chính sách và Phát triển. Theo biên bản thỏa thuận hợp tác, 10 trường ĐH sẽ tổ chức các khóa trao đổi học viên, SV.
Theo đó, các trường sẽ tổ chức các khóa trao đổi SV. Khóa dài hạn là 1 học kỳ (khoảng 15 tuần) cho phép người học đăng ký học tập, thực tập, nghiên cứu tại trường đối tác với tối đa 25 tín chỉ. Còn khóa ngắn hạn (từ 3 – 8 tuần) sẽ được tổ chức trong thời gian hè với tối đa 12 tín chỉ. Theo đó, học phần SV đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận và SV được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng người học của trường tiếp nhận trong các lớp mở theo kế hoạch học tập của trường.
PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Năm 2023 là năm đầu tiên Chương trình trao đổi SV Summer Camp của 10 đơn vị đào tạo được tổ chức tại UEH phân hiệu Vĩnh Long. Số lượng đăng ký còn hạn chế với khoảng 50 SV từ các trường đã ký kết. Tuy nhiên, do lệch về khung thời gian kế hoạch đào tạo nên có SV đăng ký nhưng không thể tham gia được vì trùng lịch học, lịch thi”.
Được biết Trường ĐH Kinh tế quốc dân là đơn vị tiếp theo đăng cai tổ chức chương trình Summer Camp năm 2024.
TÂM LÝ E NGẠI THAY ĐỔI
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), đơn vị đầu tiên của 3 trường ĐH bách khoa tổ chức khóa trao đổi SV, cho biết: “Theo thỏa thuận, khóa học được tổ chức vào thời gian hè. Có một khó khăn là lịch học của 3 trường khác nhau. Chưa kể SV từ khóa 2020 phải học 180 tín chỉ trong 5 năm để có bằng kỹ sư nên học kỳ hè là khoảng thời gian các em tranh thủ học thêm để kịp tiến độ”.
Bên cạnh đó, theo PGS-TS Hiếu, tâm lý SV thường có xu hướng ngại di chuyển và mong muốn tập trung hoàn thành chương trình ở trường để có thể đi làm ngay, trở thành thách thức lớn trong việc tổ chức các khóa học trao đổi SV trong nước.
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng một trong những lý do không có SV nào đăng ký khóa học đầu tiên tại ĐH Kinh tế Đà Nẵng là các em muốn học cải thiện môn trong học kỳ hè. “Mặt khác, các em đang ổn định tại TP.HCM, đến một nơi khác học tập thì nơi đó phải thực sự hấp dẫn, phải có gì đặc biệt. Chưa kể việc phải di chuyển, thay đổi chỗ ở trong một thời gian ngắn sẽ khiến các em e ngại”, PGS-TS Phúc nhìn nhận.
PHẢI XÂY DỰNG MÔN HỌC VÀ NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐẶC BIỆT
Trước tình hình các chương trình trao đổi trong nước chưa thu hút được SV, 10 trường ĐH về kinh tế cũng đã thảo luận sâu hơn trong hội nghị lãnh đạo các trường đối tác thảo luận về kế hoạch hoạt động và đơn vị đăng cai Summer Camp năm 2024. Tại đây, các trường cũng đã đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ để thu hút SV tham gia đông hơn.
PGS-TS Bùi Quang Hùng cho biết: “Một trong những khó khăn khi thực hiện trao đổi SV là việc công nhận môn học, chương trình lẫn nhau. Chúng tôi đang từng bước thực hiện điều này. Trong tương lai gần, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng muốn làm dạng mở. Theo đó, SV của bất cứ trường nào cũng có thể đăng ký học tại trường. Cứ có SV trường nào đăng ký là chúng tôi sẽ làm việc để có thể công nhận môn học lẫn nhau. Thậm chí chúng tôi hướng tới việc không cần công nhận môn học để chuyển điểm nữa, mà SV các trường khác nếu có nhu cầu có thể đăng ký học để trải nghiệm, để có thêm kiến thức, sau đó Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ cấp giấy chứng nhận”.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu cũng đưa ra giải pháp cần công nhận tín chỉ đối với các học phần tương đương của các chương trình đào tạo cùng ngành/chuyên ngành, cho phép SV đăng ký tham gia các học phần trong chương trình đào tạo giữa 3 trường bách khoa; đồng thời xây dựng mô hình đồng hướng dẫn SV, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong các đề tài đồ án/luận văn/luận án tốt nghiệp giữa 3 trường.
Kết thúc khóa học, trường tiếp nhận đào tạo sẽ cấp bảng điểm, xác nhận hoàn thành khóa thực tập, nghiên cứu, các hoạt động ngoại khóa; còn trường cử SV đi học thì sẽ công nhận, miễn hoặc chuyển đổi kết quả tất cả học phần đã học, công nhận điểm rèn luyện, phục vụ cộng đồng khi SV tham gia các hoạt động ngoại khóa tại trường bạn.
“SV tham gia khóa trao đổi sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi, không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo. Các trường tham gia có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho trường thực hiện khóa học ngắn hạn để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cộng đồng của SV”, PGS-TS Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Thiên Phúc cho rằng trong thời gian tới các trường muốn thu hút SV đến học khóa trao đổi tại trường mình thì nội dung các môn học phải có gì thật hấp dẫn, thật đặc biệt và nên tổ chức nguyên một học kỳ chứ không phải chỉ một vài môn trong học kỳ hè. “Ngoài ra, phải có sự hỗ trợ từ phía trường như chỗ ở trong ký túc xá. SV cũng mong muốn có những trải nghiệm tốt hơn, thú vị hơn khi đến trường khác học”, PGS-TS Phúc nhận định.
Chương trình trao đổi nước ngoài hấp dẫn SV hơn ?
Theo PGS-TS Trần Thiên Phúc, trước đó, từ năm 1999, VN có 4 trường ĐH gồm Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng và Xây dựng Hà Nội cùng đào tạo chương trình chất lượng cao của Pháp, và tại Pháp có 9 trường ĐH đào tạo chương trình này. Theo quy định, đến năm 2 sẽ có kỳ thi đánh giá lại quá trình học tập, SV vượt qua kỳ thi này có thể đăng ký học tiếp tại bất cứ trường ĐH nào trong số 9 trường ở Pháp và 4 trường ở VN. Đây cũng là một hình thức trao đổi SV, tuy nhiên số lượng SV muốn sang Pháp học nhiều hơn là học tại các trường trong nước vì rõ ràng ra nước ngoài sẽ có một môi trường học tập hoàn toàn khác biệt, sự trải nghiệm cũng sẽ đặc biệt hơn.