(NLĐO)- Gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy
Ngày 2-11, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã diễn ra hội nghị Công giới 2024 và tọa đàm “Tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn, hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”.
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và cơ sở đào tạo tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy.
Các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc.
“Sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc, tạo cơ hội cho sinh viên hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết và bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động” – PGS-TS Bùi Huy Nhượng khẳng định.
Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro Sports, cho hay các doanh nghiệp rất thích các ứng viên có khả năng “thực chiến”. Vì thế, nhà trường cần phải tạo điều kiện cho người học có thể vừa học, vừa “thực chiến” trong thị trường lao động.
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc Công ty Fiin Group, mong muốn các cơ sở đào tạo phải trở thành “platform” (nền tảng) để tạo bệ phóng cho sinh viên trong tương lai. Tuy nhiên trên thực tế, hiện chuẩn đầu ra chưa chú trọng đúng mức đến kinh nghiệm thực tế của sinh viên.
“Nhiều sinh viên ra trường rất lơ ngơ, không nắm được làm việc trong công sở sẽ như thế nào, hệ thống quản trị nhân sự ra sao, làm việc với cấp trên, đồng nghiệp, cộng sự, kỷ luật công sở như thế nào. Thêm nữa, kỹ năng làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thiếu, vì AI là xu thế không thể đảo ngược. Trước chúng ta học kỹ năng tin học văn phòng như Word, Excel nhưng giờ những thứ đó lỗi thời rồi. Vậy năng lực vận dụng AI như thế nào để tăng năng suất, tạo hiệu quả cho xã hội, là những thứ chúng ta phải nghĩ đến”- ông Nguyễn Hữu Hiệu nói.
Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đại lý thuế D&P Việt Nam, đề xuất, chương trình của các trường ĐH phải gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn. Các môn học phải được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động; tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên (như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian). Tổ chức cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp sớm hơn cũng như nhà trường phải tạo điều kiện cho sinh viên thử sức với các dự án khởi nghiệp…
Trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp/tổ chức tuyển dụng cho rằng cần tăng cường tính “thực chiến” của người học, TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay trường đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ năm 2024 học phần “Chuyên đề thực tế” để tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo. Tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy từ khóa năm 2024 đều có môn “Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế và kinh doanh” trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên về dữ liệu, công nghệ, kỹ thuật.
Ông Lê Anh Đức nói thêm nhà trường rất chú trọng nâng cao chuẩn đầu vào thông qua việc tuyển sinh, thu hút các sinh viên có năng lực xuất sắc (thuộc tốp 10% giỏi nhất cả nước).
Bên cạnh đó, trường cũng ưu tiên sinh viên có kỹ năng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Cụ thể, trong năm 2024, 70% sinh viên được tuyển vào có chứng IELTS từ 5.5 trở lên, điểm đầu vào từ 26 trở lên.
Với chuẩn đầu ra, trường yêu cầu sinh viên trước khi tốt nghiệp phải đạt 5.5 với các chương trình đào tạo chuẩn tiếng Việt; 6.0-6.5 với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, chất lượng cao, POHE…
Nguồn: https://thitruong.nld.com.vn/sinh-vien-thuc-chien-nho-doanh-nghiep-tham-gia-sau-vao-dao-tao-196241102180851511.htm