Thông tin trên nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định của Luật Giáo dục, đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng quy chế công tác sinh viên, trong đó nhóm được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập bao gồm: người học ở các hình thức đào tạo khác như vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, không riêng người học hệ chính quy.
Sở dĩ Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất này là bởi, điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 84 của Chính phủ năm 2020 quy định: “Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí với trường công lập”. Như vậy, việc cấp học bổng cho sinh viên hệ chính quy và tại chức hoàn toàn đúng theo tinh thần nghị quyết.
Bộ GD&ĐT trích dẫn thêm, Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng không phân biệt giữa tại chức và chính quy. Hình thức đào tạo chỉ còn được ghi ở phụ lục văn bằng.
Ngoài việc sửa đổi bổ sung đối tượng cấp học bổng, Bộ GD&ĐT đề xuất các trường công lập dành tối thiểu 5% nguồn thu từ học phí cho quỹ học bổng khuyến khích học tập, giảm 3% so với hiện nay. Với trường tư thục, tỷ lệ vẫn là 2%. Đồng thời, mức trích cũng tính dựa trên học phí của sinh viên tất cả hệ đào tạo, không riêng sinh viên hệ chính quy.
Tại dự thảo, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất sửa đổi bổ sung giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên được nghỉ hè như giáo viên phổ thông. Lý do bởi các chính sách với giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện tương tự như giáo viên phổ thông nhưng Nghị định 84/2020/NĐ-CP hiện hành chưa quy định việc nghỉ hè với những trường hợp này.
Nguồn: https://vtcnews.vn/sinh-vien-tai-chuc-co-the-duoc-cap-hoc-bong-nhu-he-chinh-quy-ar902166.html