Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng ưa chọn sử dụng chén, đĩa có nguồn gốc từ vật liệu hữu cơ, nhóm sinh viên ở TP.Đà Nẵng đã chế tạo máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện môi trường thay thế đồ nhựa.
Sinh viên lan tỏa lối sống xanh
Nhóm sinh viên (SV) gồm Lê Văn Tuấn, Đặng Hữu Tài, Mai Xuân Sơn, Phan Tấn Sang, Hồ Văn Lý (khoa Cơ khí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) đã sớm lên ý tưởng chế tạo máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường để tạo ra các sản phẩm dễ phân hủy, thay thế vật dụng bằng nhựa.
Ý tưởng hay, nhưng nhóm SV này nhiều lần thất bại trong quá trình nghiên cứu chế tạo máy. Với sự hướng dẫn của tiến sĩ Bùi Hệ Thống (giảng viên khoa Cơ khí), cuối cùng nhóm SV đã thành công. Chiếc máy đáp ứng đầy đủ tiêu chí sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường đã ra đời.
Tiến sĩ Bùi Hệ Thống cho biết, việc nghiên cứu và thiết kế máy ép chén, đĩa từ vật liệu có sẵn như mo dừa, mo cau, lá chuối, lá sen, lá bàng… rất thiết thực, vì không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm xanh mà còn giúp phát triển kinh tế bền vững. Nguồn nguyên liệu hữu cơ này cũng rất dễ tìm kiếm ở các tỉnh miền Trung, vừa có chi phí thấp, vừa dễ dàng phân hủy sinh học, tạo ra chu trình tái sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.
“Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy ép chén đĩa thân thiện với môi trường không chỉ cung cấp giải pháp công nghệ mà còn thúc đẩy lối sống xanh trong cộng đồng”, tiến sĩ Thống nhấn mạnh.
Sản phẩm vì thế hệ tương lai
Đặng Hữu Tài (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết máy ép chén đĩa gồm các bộ phận: hệ thống sinh lực và điều khiển thủy lực, hệ thống gia nhiệt, hệ thống làm sạch bằng khí nén và khử khuẩn bằng tia cực tím (UV).
Khi khởi động máy, hệ thống gia nhiệt bắt đầu hoạt động, bộ điều khiển nhiệt sẽ tăng nhiệt độ lên khoảng 120 – 180 độ C trong khoảng thời gian 60 – 90 giây.
“Tiếp đến, máy sẽ làm sạch nguyên liệu bằng khí có áp suất cao nhằm đẩy bụi bẩn ra bên ngoài. Sau đó, sản phẩm được định hình bằng máy thủy lực, piston tạo lực ép, cắt, kết hợp với nhiệt độ cao. Sản phẩm hoàn thành sẽ đưa vào hộp khử UV”, Tài thông tin.
Chén, đĩa được sản xuất từ vật liệu hữu cơ, dễ phân hủy thay thế cho các vật dụng làm bằng nhựa
Lê Văn Tuấn (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết thêm, quá trình chế tạo, cả nhóm đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc nghiên cứu hệ thống tạo lực là vấn đề nan giải nhất. Vì lực dập thực tế chia ra nhiều mức độ lực để có thể ép chặn phôi, biến dạng vật liệu và thắng lực ma sát giữa vật liệu với khuôn trên và khuôn dưới…
“Qua một thời gian thử nghiệm, cả nhóm đã chọn hệ thống điều khiển thủy lực nhằm tối ưu lực để tạo ra hình hài sản phẩm hoàn thiện nhất. Cụ thể, khi đưa mo cau vào khuôn, người sử dụng nhấn nút làm sạch bằng khí trên bảng điều khiển để cấp nguồn cho mạch điều khiển hoạt động. Khí từ bình áp suất sẽ qua van 5/2 đến đầu phun, tạo luồng khí áp suất cao đẩy bụi bẩn trên bề mặt. Một ưu điểm đáng kể là máy được thiết kế tối ưu với kích thước nhỏ gọn, thẩm mỹ, độ an toàn cao, dễ sử dụng…”, Lê Văn Tuấn chia sẻ.
Chi phí chế tạo ra chiếc máy cũng là vấn đề khiến nhóm SV “đau đầu”. Lê Văn Tuấn kể: “Để chế tạo máy ép chén đĩa, nhóm SV được nhà trường hỗ trợ 4 triệu đồng. Thầy Thống và thành viên nhóm gom góp thêm 2 triệu đồng nữa để bắt tay nghiên cứu, chế tạo”.
Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, sản phẩm của nhóm SV đã đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường. Đề tài này cũng được lựa chọn để tiếp tục dự thi chung kết cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp TP.Đà Nẵng trong thời gian tới.
“Hiện đã có một số nhà vườn, hộ nông dân quan tâm, mong muốn đặt hàng sản phẩm của chúng em. Trong thời gian tới, cả nhóm sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện hệ thống máy ép, nhằm phân phối sản phẩm rộng rãi ra thị trường, với mức giá thành phù hợp nhất. Để từ đó, người tiêu dùng cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống vì thế hệ tương lai”, Lê Văn Tuấn nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-san-xuat-chen-dia-tu-mo-cau-la-chuoi-gop-suc-cho-song-xanh-185241122170148657.htm