Singapore thông báo triển khai một chiến dịch quy mô lớn nhằm bảo đảm an ninh cho Đối thoại Shangri-La lần thứ 20, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4-6 tới đây.
Tờ The Straits Times cho biết trong một thông báo, cảnh sát Singapore khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn tại các chốt kiểm soát an ninh, tránh đi vào những tuyến đường xung quanh khách sạn Shangri-La vào thời điểm sự kiện diễn ra. Trong khoảng thời gian này, các thiết bị bay không người lái bị cấm hoạt động xung quanh khách sạn Shangri-La trừ khi có sự cho phép của Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, ngày 12-6-2022. Ảnh:mindef.gov.sg |
Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á), được đặt theo tên khách sạn nơi tổ chức sự kiện, là một diễn đàn an ninh liên chính phủ do IISS sáng lập và tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2002. Khách mời tham dự sự kiện chủ yếu là cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quốc phòng, các học giả, chính khách từ các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri-La không có một chủ đề lớn duy nhất bao trùm mà gồm nhiều chủ đề khác nhau thể hiện ở các phiên toàn thể và phiên đồng thời đặc biệt nhằm đề cập bao quát các diễn biến an ninh của khu vực, đồng thời phản ánh được mối quan tâm cũng như ưu tiên khác nhau của các quốc gia trong khu vực.
Trải qua 19 lần tổ chức (trong hai năm 2020 và 2021 bị tạm hoãn do tác động của dịch Covid-19), Đối thoại Shangri-La được đánh giá là một sự kiện lớn của khu vực và thế giới, là diễn đàn quan trọng để thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực nổi bật cùng quan tâm, trình bày quan điểm, đồng thời thể hiện tính minh bạch trong chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Bên cạnh các phiên họp, Đối thoại Shangri-La còn tạo cơ hội tốt cho các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương bên lề, vốn được xem là một trong những yếu tố góp phần làm tăng uy tín và tiếng vang của sự kiện này. “Đối thoại Shangri-La là diễn đàn cấp cao về quốc phòng quan trọng bậc nhất của châu Á. Đây là một diễn đàn đặc biệt để các Bộ trưởng thảo luận những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia các cuộc hội đàm song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới”, IISS nêu rõ.
IISS cho biết Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 dự kiến quy tụ hơn 550 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Đối thoại Shangri-La lần này sẽ được tổ chức với một chương trình nghị sự mở rộng nhằm tăng cường sự tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự thông qua 7 phiên toàn thể, 6 phiên đặc biệt đồng thời với các chủ đề như: Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương cân bằng và ổn định; giải quyết những căng thẳng trong khu vực; trật tự an ninh hàng hải đang nổi lên ở châu Á; các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc; quan hệ đối tác mới cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương; phát triển các mô hình hợp tác về an ninh… Thủ tướng Australia Anthony Albanese sẽ là người phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20. Năm ngoái, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 có 7 phiên toàn thể, 3 phiên đặc biệt đồng thời và phát biểu đề dẫn là Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Theo IISS, Australia đang đóng “vai trò ngày càng quan trọng” đối với an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giữa lúc căng thẳng địa chính trị gia tăng, quan điểm của nhà lãnh đạo Australia về các biện pháp giải quyết những thách thức an ninh của khu vực “là đúng thời điểm và sẽ được hoan nghênh”. Trong khi đó, sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc-hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong các vấn đề an ninh tại khu vực, luôn nhận được nhiều sự quan tâm. IISS thông báo tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ phát biểu vào ngày 3-6, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc sẽ phát biểu vào ngày 4-6.
HOÀNG VŨ