Ông Mịnh là xã viên HTX Đồng Tâm (xã Vĩnh Hưng A, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Nhà ông có 33 công đất trồng lúa, mỗi năm sản xuất 3 vụ, sản lượng đạt hàng chục tấn, nhưng hằng ngày ông vẫn thong dong ngoài đồng, bởi xạ lúa, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch… đều cơ giới hóa.
Cánh đồng mẫu lớn “không dấu chân người”
Ông Trịnh Văn Ngan, Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Tâm, cho biết HTX thành lập năm 2018. Ban đầu, chỉ có 17 xã viên, với diện tích 100 ha, chủ yếu sản xuất 3 vụ lúa trong năm, gồm các giống thay đổi theo mùa vụ, như: Đời thơm, ST24, OM18. Trung bình mỗi vụ đạt năng suất 6 – 7 tấn/ha. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay HTX phát triển được 152 xã viên, với diện tích 210 ha.
HTX được đầu tư 2 trạm bơm, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu. HTX thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, như kết hợp với HTX Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, H.Vĩnh Lợi) cung cấp lúa giống chất lượng cao, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên với giá thấp. Sau thu hoạch lúa, xã viên mới thanh toán tiền cho HTX. Ngoài ra, HTX còn liên kết thuê máy gặt đập liên hợp, máy bay xạ lúa, bón phân, xịt thuốc, áp dụng quy trình sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn “không dấu chân người”.
“Đến mùa vụ, HTX chủ động lên lịch, thông báo cho bà con cải tạo đất, xuống giống đồng loạt. Khi bón phân, xịt thuốc trừ rầy nâu, bơm nước đều đồng loạt. Nhờ sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, không còn sản xuất nhỏ lẻ nên giảm được 30 – 40% chi phí mà năng suất, chất lượng lúa đều tăng cao”, ông Ngan chia sẻ.
Theo chia sẻ của ông Khấu Vũ Linh, Giám đốc HTX Nam Hưng, HTX Nam Hưng cung ứng vật tư đầu vào cho nhiều HTX trong tỉnh. Lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều đảm bảo chất lượng cao, có kiểm định, rõ nguồn gốc, giá thấp hơn thị trường nên bà con xã viên tin tưởng, tín nhiệm. HTX còn hợp đồng, tiêu thụ lúa cho bà con với giá từ bằng hoặc cao hơn thị trường. Trước đây, HTX bán nhỏ lẻ, đem lại lợi nhuận cao, nhưng công nợ rất lớn. Giờ liên kết với xã viên, chia sẻ một phần lợi nhuận cho bà con, nhưng đầu ra vật tư rất ổn định, không có công nợ.
Xây dựng vùng nguyên liệu từ 1.000 – 2.000 ha
Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT H.Vĩnh Lợi, cho biết Vĩnh Lợi là huyện thuần nông, chỉ độc canh cây lúa. Để giúp người dân làm giàu trên mảnh đất, thửa ruộng của mình thì chỉ có liên kết sản xuất, thành lập HTX. Đặc biệt, phải thành lập được Liên hiệp HTX, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu từ 1.000 – 2.000 ha, tức là nhân rộng thành siêu cánh đồng mẫu lớn. Từ đó mới góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng cao lợi nhuận.
Toàn H.Vĩnh Lợi có 30 HTX, trong đó 10 HTX đã liên kết chuỗi sản xuất. Nếu mỗi HTX sản xuất khoảng 100 ha, lúa chỉ bán qua “cò”, thương lái nhỏ lẻ. Nếu sản xuất được từ 1.000 – 2.000 ha thì lúa sẽ bán được trực tiếp cho nhà máy, công ty chế biến, xuất khẩu gạo. Lúa bán được giá cao, đầu ra ổn định, khi đó lợi nhuận của người trồng lúa tăng cao. Còn vật tư đầu vào (lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) bà con mua giá có giảm từ đại lý cấp 1, đại lý cấp 2. Nhưng khi liên kết, xây dựng được vùng nguyên liệu, bà con có thể mua được tận công ty thì giá thành sẽ thấp hơn, rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. “Muốn quy hoạch, phát triển thành siêu cánh đồng mẫu lớn thì cần xây dựng lòng tin từ chính quyền địa phương, lãnh đạo các HTX, đến bà con xã viên”, ông Hải chia sẻ.