Tuy nhiên, thực tiễn tại nhiều địa phương, tình trạng buông lỏng quản lý xảy ra, dẫn đến nhiều hệ lụy, gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, minh chứng là một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tạo hành lang pháp lý để phát triển lành mạnh
Để khắc phục hạn chế, dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán hoặc cho thuê mua thì cá nhân đó phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Việc bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ thực hiện theo quy định của luật Nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản; việc cấp giấy chứng nhận đối với từng căn hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; việc quản lý vận hành được thực hiện theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Đồng tình về việc phải siết quy định đối với chung cư mini, ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho rằng quy định hiện hành về tiêu chuẩn xây dựng, kỹ thuật đối với chung cư mini còn chưa cụ thể, dẫn tới chủ đầu tư có thể “lách luật”. Những sự cố gây thiệt hại về người và tài sản thời gian vừa qua cho thấy vấn đề không nằm ở chung cư mini mà do chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn, cùng với đó là trách nhiệm liên đới của cơ quan quản lý.
Theo bà Yến, nhu cầu về nhà ở của người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp, là có thật và rất bức thiết. Cơ quan chức năng có trách nhiệm đảm bảo nhu cầu chính đáng ấy, thông qua việc tạo điều kiện để các chủ đầu tư tạo ra các sản phẩm nhà ở đảm bảo chất lượng, an toàn. Việc tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ sẽ giúp chung cư mini phát triển một cách lành mạnh, chủ đầu tư biết thế nào là đúng để mà làm và yên tâm là đã làm đúng quy định, người sử dụng thì yên tâm mình đã được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật kín kẽ.
Ưu tiên cho thuê, hạn chế cho bán
Tham gia góp ý, ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng với đề xuất như dự thảo, một hộ gia đình nếu có thửa đất vài trăm mét vuông thì có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần thành lập doanh nghiệp, lập dự án đầu tư; dự án cũng không cần thực hiện các thủ tục như chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm duyệt PCCC, nghiệm thu công trình… Dự thảo còn chấp nhận cấp sổ hồng cho từng căn hộ chung cư mini như chung cư thông thường. Nếu những chính sách này được thông qua, chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, gây áp lực lớn tới an toàn PCCC, hạ tầng xã hội.
Khẳng định “phải đặt tính mạng người dân lên trên hết”, ông Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật để chung cư mini đáp ứng tiêu chuẩn về PCCC, an toàn động đất, đáp ứng quy hoạch về dân cư, giao thông… Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là những công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu chung cư mini.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật quy định các điều kiện với chung cư mini như chung cư thương mại. Điều này chưa thực sự phù hợp và rất khó khả thi. Ông dẫn chứng, cá nhân thì không thể đáp ứng đầy đủ điều kiện của chủ đầu tư dự án nhà ở (phải có tư cách pháp nhân, có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ở…); tương tự, nếu quản lý chung cư mini theo mô hình nhà chung cư thì phải có ban quản trị, phải có quỹ bảo trì…
Để khả thi, ĐB Luận đề nghị nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát về quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn phòng chống cháy nổ, quá trình giao dịch, quản lý sử dụng. Cùng với đó là đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở chung cư mini. Đặc biệt, ông Luận kiến nghị ưu tiên phát triển chung cư mini để cho thuê, không cho phép, hoặc hạn chế việc bán, cho thuê mua, để không làm phát sinh các tranh chấp, hệ lụy về sau (như quản lý sử dụng, sửa chữa, bảo trì, thừa kế…).