Bộ sửa quy định về chống chuyển giá, vốn mỏng
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành, hiệp hội về dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Một trong những thay đổi đáng chú ý được đề cập tại dự thảo này là Bộ Tài chính đã đồng ý sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để loại trừ việc xác định quan hệ liên kết đối với trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức khác có chức năng hoạt động ngân hàng.
Đây là một trong những nội dung các doanh nghiệp kiến nghị nhiều nhất. Bởi các doanh nghiệp cho rằng, hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng.
Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp.
Theo các chuyên gia, điều này tất yếu phải sửa và đáng ra phải sửa từ lâu rồi.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Chung Thành Tiến, Chi hội Kế toán hiểu đúng làm đúng trực thuộc Hội Kế toán thành phố Hồ Chí Minh (HAA) cho rằng: Ngân hàng không phải là bên có quan hệ liên kết với doanh nghiệp là điều không có gì phải bàn cãi. Họ là tổ chức tín dụng, là đơn vị kinh doanh tiền tệ. Việc họ cho doanh nghiệp vay giống như họ bán sản phẩm của họ. Ai có nhu cầu thì họ bán và giữ tài sản đảm bảo. Họ cho vay và lấy lãi.
“Cho nên lãi vay ngân hàng phải là chi phí được trừ toàn bộ của doanh nghiệp, không có lý do gì lại không cho”, ông Chung Thành Tiến phân tích.
Song, dự thảo này vẫn chưa đề cập đến một số vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị nhiều thời gian qua. Đó là đề xuất bỏ mức trần khống chế chi phí lãi vay theo đề xuất của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) hoặc ít nhất tăng mức khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên 50% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (“EBITDA”).
Ngoài ra, đề xuất tăng thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế (“LVVC”) từ 5 năm lên 7 năm để phù hợp với tình hình kinh tế cũng chưa được nhắc đến.
Khó xếp chung doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp các nước phát triển
Từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính đã cố gắng tìm ra giải pháp để chống chuyển giá, vốn mỏng. Nghị định 20 năm 2017 về quản lý thuế với giao dịch liên kết, cho đến Nghị định 132 về nội dung này cũng nhằm mục đích đó. Thế nhưng, theo các chuyên gia, các quy định này không có nhiều tác dụng với doanh nghiệp FDI.
Mục đích của Nghị định 132 là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là công ty con trong tập đoàn có công ty mẹ ở các nước đã phát triển. Do lãi suất vay ở các nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…) tương đối thấp nên các doanh nghiệp FDI vay theo lãi suất thấp, giảm thiểu chi phí lãi vay. Vì thế doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của khống chế chi phí.
Khi ban hành Nghị định 132, các cơ quan chức năng đã tham khảo thông lệ ở các nước đã phát triển để đưa ra mức khống chế theo mức 30% EBITDA. Tuy nhiên, ông Chung Thành Tiến cho rằng mức khống chế này hiện đang chưa thật sự phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam và gây khó khăn cho doanh nghiệp nội.
“Nền kinh tế của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam không được lớn, khỏe mạnh như các nước OECD, G7, G20. Doanh nghiệp của họ khỏe và lớn mạnh, còn doanh nghiệp mình chạy ăn từng bữa, phải đi mượn tiền ngân hàng về kinh doanh. Cho nên họ phải dùng đòn bẩy tín dụng để kinh doanh, mượn tiền người khác làm giàu cho mình. Điều này cũng là phù hợp tình hình thực tế”, ông Tiến nói về những bất cập của việc “chống vốn mỏng”.
Vì thế, ông Tiến khẳng định: Ngay từ Nghị định 20, hay sau này là Nghị định 132 về quản lý thuế với giao dịch liên kết, tôi đã nêu rõ quan điểm về vấn đề này. Tôi không đồng tình việc khống chế chi phí lãi vay được trừ này bởi vì Nghị định đang không phù hợp với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định chi phí lãi vay của doanh nghiệp dưới 150% mức lãi suất cơ bản, thì được coi là chi phí hợp lý và doanh nghiệp được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định như vậy, nhưng Nghị định 20 rồi Nghị định 132 lại quy định tiếp nội dung về chi phí lãi vay.
“Bất cập như vậy nhưng Bộ Tài chính định hướng sửa lại vẫn không bỏ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ, mà chỉ bỏ chỗ ngân hàng là đối tượng có giao dịch liên kết”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn QMC, Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam (VICA) cho rằng: Ý kiến về việc nâng mức khống chế chi phí lãi vay của doanh nghiệp là phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam bởi doanh nghiệp Việt số vốn tự có rất hạn chế.
“Có thể tăng mức khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên 50%, rồi sau đó trao quyền cho Bộ Tài chính. Sau một thời gian tăng mức khống chế, căn cứ vào tình hình thực tế Bộ Tài chính có thể giữ nguyên mức khống chế 50% hoặc điều chỉnh tiếp”, ông Quang nói.
Dự kiến lộ trình sửa Nghị định 132, Bộ Tài chính cho biết trên cơ sở ý kiến nhận được, tiếp tục hoàn thiện, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2024. Song, theo các chuyên gia, do các đề xuất thay đổi có ảnh hưởng trọng yếu đến doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nên Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 cần được sớm ban hành và có hiệu lực áp dụng từ năm tính thuế 2023. |