Kiểm soát chặt dư lượng thuốc từ vườn
HTX sản xuất và tiêu thụ vải thiều sớm Phúc Hòa (xã Phúc Hòa, H.Tân Yên, Bắc Giang) có 6 ha trồng vải xuất khẩu Nhật Bản. Phụ trách tổ sản xuất, ông Ngô Văn Cường cho biết dự kiến sản lượng của HTX đạt khoảng 300 tấn và từ ngày 10.6 bắt đầu thu hoạch, nhưng đã có 10 doanh nghiệp liên hệ thu mua.
Theo ông Cường, đối với trồng vải xuất khẩu Nhật Bản, thì khó nhất là kỹ thuật khi không thể sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Để phòng trừ sâu bệnh, nhiều năm nay, các nhà vườn chung nhau mua hàng tấn tỏi, ớt, sả về nghiền, ủ làm chế phẩm sinh học phun cho cây vải. Cách làm này giúp vải vượt qua nhiều đợt kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào Nhật Bản và luôn được các doanh nghiệp đặt mua sớm.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 37 mã số vùng trồng vải xuất khẩu Nhật Bản với diện tích trên 297 ha. Dự kiến năm nay, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, cho biết Nhật Bản yêu cầu dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép chỉ là 0,01 mg/kg, đây là mức thấp nhất và ở ngưỡng này thì gần như không phát hiện thuốc BVTV trên quả vải. Để đạt được tiêu chuẩn này, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang thường xuyên khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc nằm trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly. “Trước khi thu hoạch 10 – 15 ngày, các nhà vườn không được sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào”, ông Tặng nói.
Cũng theo ông Tặng, những năm trước đây đã có một số lô hàng không đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV, doanh nghiệp phải ngừng xuất khẩu. Để kiểm soát chất lượng vải thiều xuất đi châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, hằng năm Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang đều lấy mẫu phân tích tầm soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro trước vụ thu hoạch. Sau đó, trước thu hoạch 7 ngày và 2 ngày, cán bộ kiểm dịch tiếp tục lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động lấy mẫu để kiểm nghiệm độc lập, làm đối chứng.
“Nhật Bản là thị trường khó tính nhưng nếu làm được thì nông dân sẽ tự tin làm hàng xuất khẩu đi các nước khác. Vải xuất khẩu sang Nhật Bản chưa nhiều nhưng có hiệu ứng lan tỏa tốt, nâng cao uy tín, thương hiệu cho quả vải”, ông Tặng nói.
Đẩy mạnh tiếp thị vải thiều ở Nhật Bản
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng quả vải có nhiều tiềm năng vào thị trường Nhật. Từ năm 2022, Hiệp hội Giao lưu quốc tế hoa quả Nhật Bản phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản triển khai dự án thúc đẩy xuất khẩu vải tươi từ Việt Nam và đã được nhiều người dân Nhật Bản ủng hộ.
“Dự án hướng tới hỗ trợ người nông dân Việt Nam tiêu thụ vải ở Nhật Bản, thông qua đóng góp kinh phí cho dự án, như là khoản tiền ứng trước để mua vải. Năm nay dự án đặt mục tiêu quyên góp 300.000 yen nhưng đến nay đã có trên 575.000 yen được gửi đến nhóm điều phối dự án”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, trong cách làm quảng bá, tiếp thị loại trái cây đặc sản này, Việt Nam vẫn còn thua Thái Lan, Trung Quốc. Khi có trái cây mới nhập khẩu vào Nhật Bản thì doanh nghiệp, địa phương nơi sản xuất của Thái Lan, Trung Quốc đều phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông rất lớn thông qua nhiều hình thức đa dạng như quảng bá ở các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại, tặng miễn phí sản phẩm, mời người tiêu dùng thử trải nghiệm, thậm chí làm cả video, trailer quảng cáo phát trong các nhà hàng, siêu thị…
Mấy năm qua Việt Nam cũng đã triển khai quảng bá vải thiều qua các hội nghị có sự tham gia của các tham tán thương mại. Trong đó, Bắc Giang và Hải Dương phối hợp với một số doanh nghiệp cùng Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tặng vải miễn phí ở Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản. Gần đây nhất, năm 2021, một doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thông qua thương vụ đã gửi vải thiều làm hàng mẫu sang Nhật Bản để làm quà tặng cho các chính khách, đối tác của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để họ dùng thử.
Chuyên gia Nhật Bản sang VN giám sát xuất khẩu vải thiều
Theo yêu cầu của Nhật Bản, vải xuất khẩu phải được xử lý bằng công nghệ xông hơi, khử trùng và có chuyên gia Nhật Bản giám sát. Trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Nhật Bản ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật trực tiếp giám sát. Nhưng năm nay, Nhật Bản cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại VN trực tiếp giám sát, chứng nhận cho các lô hàng xuất khẩu. Chúng tôi đã nhận được thông báo chính thức, ngày 2.6, chuyên gia Nhật Bản sang VN để giám sát xuất khẩu vải.
Ông Hoàng Trung (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT)
Tuy nhiên, ông Minh nhận xét quảng bá quả vải thiều ở Nhật Bản hiện nay mới ở mức độ để Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản trực tiếp triển khai. Nhưng để quả vải có tiếng vang hơn nữa, lan tỏa rộng khắp trong người tiêu dùng Nhật Bản thì địa phương trồng vải, doanh nghiệp xuất khẩu nên trực tiếp triển khai mạnh hơn, quy mô lớn hơn tại các sự kiện tại Nhật Bản. Quan trọng hơn là tổ chức hoạt động quảng bá hằng năm để bền bỉ sự hiện diện của quả vải ở Nhật Bản chứ không chỉ làm 1 – 2 năm đầu tiên trái cây này xuất hiện trên thị trường.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu vải nên chú trọng đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng báo giới thiệu thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nông sản tại thị trường Nhật Bản”, ông Minh nói.
Đối với loại trái cây như vải thiều có thời gian bảo quản ngắn, doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh để giữ cho trái vải có chất lượng ổn định trong quá trình vận chuyển, phân phối.