Sầu riêng, chuối, mít, xoài, thanh long đều có vi phạm
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV- Bộ NN-PTNT), hằng tháng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đều cập nhật thông báo vi phạm (nếu có) của hàng hóa nông sản VN. Đáng lưu ý, thời gian gần đây, số vụ việc vi phạm kiểm dịch thực vật nhóm hàng trái cây tăng bất thường. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là phát hiện dịch hại trên nhiều loại trái cây đang xuất khẩu khối lượng rất lớn sang thị trường Trung Quốc như mít, thanh long, chuối, xoài. Sầu riêng thì ít hơn. Đối với các lô hàng này, dù không bị trả về nhưng phía Trung Quốc yêu cầu xử lý làm sạch, loại bỏ vi sinh vật gây hại khiến doanh nghiệp (DN) tốn kém chi phí, làm chậm tiến độ thông quan, và ảnh hưởng uy tín của trái cây VN.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Cục BVTV, cho biết trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc có sản lượng tập trung nhiều nhất ở Nam bộ, Tây nguyên. Thông báo từ phía Trung Quốc đều kèm theo các mã số vi phạm, Cục BVTV đều truy xuất được đến từng địa phương. “Qua truy xuất thì 19 tỉnh, TP ở Nam bộ, Tây nguyên gần như địa phương nào cũng có mã số vi phạm. Dịch hại được phát hiện trên nhiều mặt hàng trái cây là rệp sáp và các loại trái cây từ thanh long, chuối, xoài, sầu riêng, mít đều có loài này”, ông Dương nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho rằng vi phạm kiểm dịch thực vật phát hiện trên nhóm hàng trái cây xuất khẩu chủ lực tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại khi Trung Quốc áp dụng kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí không loại trừ tạm dừng nhập khẩu. Không chỉ có vi phạm quy định kiểm dịch thực vật, việc kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, cụ thể là sầu riêng, cũng đang là một vấn đề không thể lơ là, coi nhẹ.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này. Tuy nhiên thời gian gần đây, Hiệp hội Rau quả VN nhận được phản ánh cho biết các DN VN liên tục bị đối tác Trung Quốc phàn nàn sầu riêng có cơm bị sượng, nhạt, thậm chí là không chín do trái bị hái non. Cùng một container nhưng chất lượng quả sầu riêng không đồng đều, DN phải hạ giá bán rẻ cho đối tác đưa vào làm hàng chế biến thay vì tốn kém thêm chi phí đưa hàng về nước.
Cứ nói suông thì không ai nghe!
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Trần Thị N., đại diện một DN xuất khẩu trái cây ở tỉnh Long An, cho rằng để xảy ra tình trạng nhiều lô hàng bị cảnh báo dịch hại, chất lượng không đồng đều cho thấy quy trình kiểm soát có dấu hiệu bị buông lỏng vì trước đây không xảy ra vấn đề này. Thực tế, nếu DN, nhà vườn tuân thủ nghiêm túc quy trình phòng ngừa dịch hại từ trước khi thu hoạch cho đến khâu sơ chế, đóng gói thì rất khó để lọt rệp sáp hay các vi sinh vật gây hại. Vấn đề ở thị trường Trung Quốc thời gian qua là do nhu cầu lớn, “hút” hàng nên nhiều thương lái gom hàng cho các DN xuất khẩu chạy theo số lượng, mua trọn, cắt trái đồng loạt cả vườn khiến chất lượng trái già, trái non không đồng đều. Còn với DN có hợp đồng thu mua cố định, họ cắt trái theo từng đợt và phải đủ thời gian thu hoạch nên chất lượng đồng đều, đảm bảo.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh đối với vấn đề sầu riêng cắt non hay trái cây vi phạm quy định kiểm dịch thực vật, Bộ NN-PTNT đều có văn bản khuyến cáo, chỉ đạo địa phương chấn chỉnh. Nhưng chỉ dừng lại ở việc “đánh động” như thế, không có chế tài cụ thể thì rất khó giải quyết triệt để vấn đề.
Dẫn chứng ở Thái Lan, khi sầu riêng của nước này chiếm vị trí “một mình một chợ” ở Trung Quốc thì cũng gặp phải vấn đề tương tự như VN hiện nay. Một vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi có sự cạnh tranh của sầu riêng VN, Thái Lan siết rất chặt tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Không chỉ đưa ra tiêu chuẩn quốc gia, Thái Lan áp dụng hình thức phạt tiền, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, để nông dân, DN có ý thức giữ uy tín, thương hiệu sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Trái cây có sâu bệnh, dịch hại gì hay không, sầu riêng hay trái cây nói chung thu hoạch thời điểm nào ngon nhất thì nông dân, nhà vườn biết rõ nhất. Nhưng nếu đợi đúng ngày cắt trái mà giá rớt thì họ buộc phải cắt non bán trước nên rất khó nói nông dân giữ trái để đảm bảo chất lượng nếu như không có chế tài xử phạt nhằm điều chỉnh”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Quý Dương cho hay sắp tới sẽ áp dụng xử lý đối với những mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có vi phạm do cơ quan kiểm dịch trong nước phát hiện. Khi kiểm dịch nếu phát hiện mã số liên tục vi phạm, không có ý thức khắc phục thì sẽ kiên quyết đình chỉ, tạm dừng xuất khẩu.
Cũng theo Cục BVTV, dự kiến cuối tháng 8, Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì tổ chức hội nghị với đại diện các tỉnh, TP Nam bộ và Tây Nguyên để chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng như yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và nâng cao chất lượng trái cây xuất khẩu.
Tổ chức tuần lễ trái cây, mở rộng thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại do Bộ Công thương tổ chức cuối tháng 7, đại diện Thương vụ VN tại Bắc Kinh nhấn mạnh trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết chặt quản lý, kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các DN VN phải chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa; thực hiện nghiêm các biện pháp về kiểm dịch an toàn thực phẩm. Trong đó, Thương vụ VN tại Bắc Kinh khuyến cáo Bộ NN-PTNT, các địa phương, DN xuất khẩu trái cây và nông sản nói chung cần giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là kiểm soát vi sinh vật gây hại trên sản phẩm khi thời gian qua, hải quan Trung Quốc vẫn tiếp tục phát hiện, cảnh báo các sinh vật gây hại trên các lô hàng trái cây xuất từ VN.
Nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rất lớn nhiều mặt hàng trái cây VN có thế mạnh và hiện đang vào vụ thu hoạch nhiều loại quả như: nhãn, xoài, sầu riêng… Thương vụ VN tại Bắc Kinh khuyến nghị các DN, Hiệp hội Rau quả VN phối hợp các địa phương đang sản xuất nhiều loại trái cây nghiên cứu tổ chức tuần lễ trái cây VN tại Trung Quốc, đặc biệt tập trung ở những khu vực còn nhiều dư địa xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc luôn ở mức cao như: Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Thượng Hải…