Trò chuyện với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) bày tỏ tâm đắc và đồng tình với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tại Hội nghị văn hóa toàn quốc về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước nói chung và trong đạo đức con người nói riêng, trong đó có đạo đức, văn hóa của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.
Hội nghị văn hóa toàn quốc |
Ông Nghĩa chia sẻ, khi nói vi phạm pháp luật, cử tri và nhân dân nói rằng, với một người bình thường, nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật có thể do năng lực hạn chế, thiếu học hành, thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn… đưa đẩy đến con đường phạm tội. Còn ở đây, một bộ phận cán bộ có chức, có quyền không hề thiếu thốn, nghèo khổ, mà vẫn tham nhũng, nhận hối lộ ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 thì “thật không thể chấp nhận được. Chỉ những người suy đồi về văn hóa, xuống cấp về đạo đức thì mới làm thế”, ông Nghĩa bày tỏ.
Theo ông Nghĩa văn hóa và đạo đức liên quan chặt chẽ với nhau. Văn hóa là môi trường hình thành, nuôi dưỡng và tác động đến đạo đức. Môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, chất lượng cao sẽ giúp duy trì và nâng cao đạo đức tốt đẹp của con người trong xã hội. Văn hóa, đạo đức liên quan đến nhiều tầng lớp, trong đó có bộ phận cán bộ, đảng viên, công viên chức, từ lãnh đạo, người đứng đầu đến các cấp thừa hành.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sự suy thoái về văn hóa, về đạo đức diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nó thể hiện ở nhiều hình thức, cách thức như tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ, chạy chức, chạy quyền… Đáng lo ngại hơn, sự suy thoái đó diễn ra cả đối với cán bộ cấp rất cao. “Do đó, phải tìm và lý giải xem vì sao vừa qua có sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ thuộc bộ máy công quyền? Tính cấp thiết của việc chấn hưng văn hóa, đạo đức trong khu vực công thể hiện ở điều đó”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM khẳng định, đất nước càng phát triển về kinh tế và mức sống thì càng phải coi trọng văn hóa, đạo đức, trong đó có văn hóa, đạo đức của cán bộ trong bộ máy công quyền. Lối sống, hành vi, cách hành xử của bộ phận cán bộ- với tư cách là những người quản lý này có tác động rất nhiều, gây hệ lụy lâu dài đến văn hóa và đạo đức của xã hội nói chung và của mỗi cơ quan, đơn vị – nơi họ công tác nói riêng. Đặc biệt hành vi xấu, việc làm xấu của họ có thể gây tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của thế hệ trẻ, trong đó có cán bộ trẻ, đến niềm tin và định hướng tương lai của họ trong xã hội.
Cụ thể, theo ông Nghĩa có hai hướng tác động: Thứ nhất, cán bộ sẽ nhìn vào và làm theo những bậc trưởng thượng, tiền bối đó, rồi cố gắng “chạy” vào Nhà nước, cố gắng “chạy chức”, “chạy quyền”, và tranh thủ các cơ hội tham nhũng, tiêu cực; thứ hai, một số người sẽ chán nản, mất niềm tin vào bộ máy công quyền, từ đó không có động lực tiến thân và phục vụ xã hội bằng con đường công vụ.
Những tác động này, theo ông Nghĩa tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sự phát triển của quốc gia. “Khi nói đến tình trạng cán bộ suy thoái về văn hóa, đạo đức thì mọi người thường có vẻ coi nhẹ hơn so với vi phạm pháp luật. Ví dụ, cán bộ, công viên chức có hành vi nhũng nhiễu, trịch thượng với người dân, hay yếu kém về văn hóa trong quan hệ công việc, quan hệ xã hội thì chỉ bị đánh giá, phê phán nhẹ nhàng, hoặc bỏ qua, mà không thấy những hành vi, cách ứng xử đó là biểu hiện của phẩm chất cán bộ. “Những “công bộc” đó là những “ông quan cách mệnh”, theo cách gọi của Bác Hồ, chứ không phải là đầy tớ của nhân dân. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì những sai phạm, vi phạm nhỏ đó sẽ phát triển thành tội phạm, gây thiệt hại về tài sản, tiền bạc của Nhà nước và làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, ông Nghĩa cảnh báo.
Khẳng định, Đảng và Nhà nước đã nhận rõ tình trạng suy thoái về đạo đức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và có thái độ hết sức rõ ràng trong đấu tranh và xử lý, ông Nghĩa cho biết, hơn một năm trước đây, Đảng đã quyết định bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực). Đồng thời, Đảng cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Do đó, vấn đề quan trọng lúc này là phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan trên trong tham mưu, chỉ đạo để công tác đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả hơn.
“Kết quả tín nhiệm là một yếu tố để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên có sự cảnh tỉnh tốt về ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên…”, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh bày tỏ.
Ngoài ra, một trong những công cụ cảnh báo giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, khắc phục những hạn chế yếu kém trong chỉ đạo điều hành, thực thi công vụ là thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn. Theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được đưa vào làm tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm. Theo bà, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, là sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh lãnh đạo tại kỳ họp thứ 6. |
“Ngoài thông điệp mạnh mẽ trong việc xem xét đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với người bị đa số phiếu tín nhiệm thấp, Quy định số 96 được Bộ Chính trị ban hành còn đưa ra quy định về việc miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm đối với trường hợp có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp. Quy định này phát huy sức mạnh của lá phiếu tín nhiệm mà trước đây chưa có”, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên nhìn nhận.
ĐBQH Tạ Thị Yên |
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để làm tốt công tác cán bộ, để sắp xếp phù hợp hơn với sở trường, năng lực từng người. “Kết quả tín nhiệm là một yếu tố để quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên có sự cảnh tỉnh tốt về ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên…”, ông Minh bày tỏ.
Tâm đắc với điều này, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm ngoài phục vụ công tác giám sát từ nay tới cuối nhiệm kỳ, kết quả phiếu tín nhiệm còn là “thước đo”, cơ sở quan trọng phục vụ tốt hơn cho công tác quy hoạch cán bộ trong nhiệm kỳ tới. “Quy hoạch cán bộ “có động, có mở” và “có vào, có ra”. Vì thế, đối với trường hợp tín nhiệm cao, cần coi là cơ sở quan trọng để xem xét, đưa vào quy hoạch, ngược lại, với những trường hợp tín nhiệm thấp, cũng nên xem xét đưa ra khỏi quy hoạch”, ông Hoà nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh quan điểm “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” mà Tổng Bí thư đã nhắc đến nhiều lần.
Cùng với các giải pháp trên, thời gian qua, Đảng đã ban hành hàng loạt quy định mới để cụ thể hơn hành vi, siết chặt việc kiểm soát, đánh giá đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo… TS Nguyễn Thị Thanh Dung, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm soát và đánh giá cán bộ là công việc vô cùng quan trọng. “Muốn đánh giá đúng cán bộ thì phải có công cụ giám sát, phải có thước đo hiệu quả”, TS Nguyễn Thị Thanh Dung nói.
Khắc phục các hạn chế trong công tác này, ngày 4/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 124 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quy định nêu rõ, với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải kiểm điểm rõ về tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, phải kiểm điểm trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sự tín nhiệm của cán bộ đảng viên…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực |
Một chuyên gia khác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Quy định số 124 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: Với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải kiểm điểm rõ về tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp. Đây là yêu cầu có tính thời sự nóng bỏng, là đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn phát triển của đất nước. “Như chúng ta biết, mấy năm vừa qua, hàng loạt lĩnh vực gặp vướng mắc như đấu thầu trang thiết bị y tế, đầu tư công, vấn đề trái phiếu, bất động sản…tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội. Nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó phải kể đến tâm lý sợ sai, không dám làm, né tránh của không ít cán bộ nhà nước, lãnh đạo các cơ quan chức năng”, vị chuyên gia bày tỏ.
Một điểm mới gần đây trong siết lại các quy định để đánh giá cán bộ khách quan, chính xác hơn đó là kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên.
Nhận định về việc kỷ luật Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ mới đây, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: Đây là lần đầu tiên một cán bộ cao cấp bị xử lý về việc kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực, một trong những hành vi được coi là tiêu cực theo quy định của Đảng. Mặc dù việc kê khai để kiểm soát tài sản, thu nhập đã được thực hiện ngay từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 nhưng biện pháp này luôn được coi là chưa hiệu quả, thậm chí đã có lúc bị đánh giá là “mang nặng tính hình thức”.
“Nhân dân, cử tri thường hỏi: tại sao đường lối thì đúng, chủ trương đúng, tiêu chuẩn đặt ra đầy đủ, qui trình qua nhiều bước, nhiều cấp, nhưng lúc bổ nhiệm lại không phát hiện ra những người đang vi phạm, yếu kém về văn hóa và đạo đức. Khi phát hiện vi phạm thì lại thiếu kiên quyết, chậm xử lý. Những vụ án, vụ việc xảy ra thời gian qua đã bộc lộ điều đó”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.