Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến.
Vào cuối năm, khi người lao động xuất khẩu, du học sinh và Việt kiều trở về quê ăn Tết, nhu cầu mua thực phẩm chức năng để làm quà tặng gia đình tăng cao.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng để buôn bán các sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo, không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực phẩm chức năng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, vì vậy việc quản lý các sản phẩm này cần phải thực hiện nghiêm ngặt. |
Mới đây, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an Tây Ninh) phối hợp cùng Đội 4 Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh và Công an huyện Tân Châu triệt phá một đường dây buôn bán thực phẩm chức năng giả qua sàn thương mại điện tử.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa xử phạt 32 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần MOMKID Việt Nam vì kinh doanh thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng phát hiện hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng nhập lậu không rõ nguồn gốc trị giá 34 triệu đồng và xử phạt 30 triệu đồng một cơ sở vi phạm.
Mặc dù các quy định về thực phẩm chức năng đã được đưa ra, như yêu cầu công bố sản phẩm và dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến. Các sản phẩm này không được cơ quan chức năng kiểm tra, khiến người tiêu dùng đối diện với rủi ro về chất lượng và an toàn sức khỏe.
Tình trạng này càng trở nên phức tạp khi các sản phẩm thực phẩm chức năng “xách tay” từ nước ngoài, dù sử dụng cho cá nhân không thuộc diện quản lý, nhưng khi được mang ra buôn bán phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về công bố sản phẩm và kiểm tra chất lượng.
Thực tế, nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu cao của người tiêu dùng và lợi nhuận lớn để tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc đã qua chế biến, thay đổi nhãn mác.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng giả và không rõ nguồn gốc diễn ra khá phổ biến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng phải được cơ quan chức năng cấp phép trước khi đưa vào thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đang gặp khó khăn lớn, đặc biệt là khi các máy chủ quảng cáo được đặt ở nước ngoài.
Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm cho hơn 24.600 sản phẩm thực phẩm chức năng từ năm 2022 đến nay và tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Đặc biệt, Bộ đã xử lý 126 hành vi vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, phạt hơn 16,8 tỷ đồng.
Cùng với đó, các địa phương đã kiểm tra hơn 941.000 cơ sở và phạt trên 123 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm. Những vi phạm chủ yếu liên quan đến sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả, chất lượng không đạt yêu cầu hoặc quảng cáo sai sự thật.
Để quản lý hiệu quả thực phẩm chức năng, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh với quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, thành phần và sản xuất thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và vệ sinh.
Việc kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng cũng cần được tăng cường để tránh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ các chiến dịch quảng cáo, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội.
Hơn nữa, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng sao cho an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát và quản lý thị trường thực phẩm chức năng, từ việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm đến việc kiểm tra chất lượng và việc thực thi các quy định pháp lý.
Thực phẩm chức năng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, vì vậy việc quản lý các sản phẩm này cần phải được thực hiện nghiêm ngặt.
Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp để kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kinh doanh thực phẩm chức năng, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/siet-chat-kiem-soat-thuc-pham-chuc-nang-gia-dip-cuoi-nam-d232933.html