DNVN – Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cần phải thay đổi tư duy để nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm hướng đến phát triển bền vững. Thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao, cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả…
Thách thức đè nặng ngành tôm
Tôm Việt Nam hiện là một trong hai loài thủy sản quan trọng trong chiến lược phát triển nuôi trồng của quốc gia, với tổng giá trị xuất khẩu đạt từ 3,5-4 tỷ USD, chiếm khoảng 13-14% tổng giá trị tôm toàn cầu. Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia sở hữu công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất thế giới và có lợi thế trong sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng, cao cấp.
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước diễn ra mới đây, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, ngành tôm có vai trò vô cùng quan trọng khi liên quan đến khoảng 2 triệu nông dân trong nước. Tuy nhiên, năm 2023 chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng của ngành tôm Việt Nam.
Sản lượng tôm giảm mạnh 32%, trong khi đối thủ Ecuador tăng 14%, Ấn Độ tăng 2%. Giá tôm thương phẩm giảm sâu do suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi chi phí sản xuất tôm của Việt Nam lại rất cao, dẫn đến sự mất lợi thế cạnh tranh.
Ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Nêu những thách thức lớn đang đè nặng lên ngành tôm Việt Nam, ông Quang cho biết, chi phí nhân công cao. Các khu công nghiệp chế biến thường nằm xa khu dân cư, khiến chi phí đưa đón công nhân tăng và làm giảm năng suất lao động. Ngoài ra, áp lực tăng lương do chi phí sinh hoạt tăng cao cũng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc duy trì hiệu quả hoạt động.
Chi phí xử lý nước thải cũng là một vấn đề lớn, với doanh nghiệp phải chịu chi phí cao gấp đôi so với tự xử lý nước đạt tiêu chuẩn loại A. Ngoài ra, việc thiếu chứng nhận quốc tế như BAP, ASC cho sản phẩm tôm Việt Nam làm giảm giá bán và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc nuôi tôm với mật độ cao ở Việt Nam cũng khiến tôm dễ mắc bệnh, trong khi các đối thủ như Ecuador áp dụng phương pháp nuôi tôm kháng bệnh với mật độ thấp, giúp bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh.
Thay đổi tư duy sản xuất
Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành tôm, “sếp” Thuỷ sản Minh Phú đề xuất một loạt giải pháp cần thiết, trong đó nhấn mạnh vào việc thay đổi tư duy sản xuất. Thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, ngành tôm cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị bền vững.
Ông Quang cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sửa đổi các quy định về sản xuất tôm giống, cho phép các doanh nghiệp lớn tham gia chọn giống tự nhiên nhằm phát triển tôm giống kháng bệnh, phù hợp với điều kiện môi trường từng vùng nuôi.
Một điểm quan trọng khác là đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp thoát nước riêng biệt và các khu công nghiệp nuôi trồng chuyên nghiệp. Đề nghị Nhà nước đầu tư vào công nghệ sinh học và phát triển các sản phẩm phân bón, thức ăn sinh học, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn.
Đặc biệt, ông Quang đề xuất Nhà nước hỗ trợ khâu quy hoạch, Minh Phú sẵn sàng bỏ nguồn lực để đầu tư xây dựng, đang dự kiến một số khu công nghiệp tôm ở Kiên Giang, Cà Mau cùng 2 trung tâm xúc tiến nông sản ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Dù Việt Nam hiện có lợi thế trong khâu chế biến, song ông Quang cảnh báo các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan đang nỗ lực đầu tư công nghệ và sẽ nhanh chóng bắt kịp. Vì vậy, ngành tôm cần có chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào chất lượng, bền vững và đổi mới công nghệ.
Tương lai của ngành tôm Việt Nam phụ thuộc vào việc thích ứng nhanh chóng với các thách thức và tận dụng các cơ hội mới, từ đó không chỉ duy trì mà còn phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-sep-thuy-san-minh-phu-doi-moi-tu-duy-nang-cao-suc-canh-tranh-nganh-tom/20240926031422165