Câu chuyện cắt giảm nhân sự là nội dung được các doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm bàn luận nhiều nhất tại sự kiện “Việt Nam xuất sắc” tổ chức tối 26/7.
Khi mất việc bỗng thành… “cơ hội tốt”
Nói về làn sóng cắt giảm nhân sự tại một số lĩnh vực, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Anphabe, cho biết, số liệu từ khảo sát của doanh nghiệp chỉ ra rằng, từ tháng 9/2022-5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân lực.
Theo khảo sát hồi tháng 5/2023 cho thấy, ngoài 33% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, có 13% doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm; 34% quyết định giữ nguyên và chỉ có 20% đơn vị có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, đối với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp “không tuyển dụng thay thế đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc” đang trở nên phổ biến.
Chiến lược này gọi là “quiet-firing” (sa thải thầm lặng), nhằm tránh gây xáo trộn lớn trong tổ chức mà vẫn giảm dần số lượng nhân sự xuống mức mong muốn.
Dẫu vậy, theo bà Thanh Nguyễn, dữ liệu đưa ra không hoàn toàn chỉ có gam màu tối. Thống kê, cứ 10 người bị cắt giảm, có 7 người tìm được công việc mới.
Trong số 7 người này, chỉ 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn.
Mức lương tăng trung bình là 8,7%, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực Bán hàng, Marketing, Tài chính, Nghiên cứu và phát triển. Điều này cho thấy, việc bị sa thải đôi khi cũng là cơ hội để nhiều người có bước tiến tốt hơn trong sự nghiệp.
Đối xử với nhân viên theo kiểu lạ
Một câu chuyện khác được thảo luận nhiều nữa là cách thức nào để tối ưu hiệu suất làm việc mà không gây áp lực cho nhân viên.
Đơn cử, Suntory Pepsico VietNam đưa 72 quy trình làm việc vào diện phải tinh gọn, cải tiến trên tất cả các phòng, ban. Chiến dịch này giúp công ty tiết kiệm hơn 4.000 giờ làm việc/năm, cụ thể là doanh số tăng trưởng gấp đôi.
Trong khi đó, Công ty BAT Việt Nam đưa ra các quy định mới là không đặt lịch họp sau 16h chiều; thời gian họp không kéo dài quá 3 tiếng; khi đặt lịch họp, phải đưa ra lịch trình cụ thể trong buổi họp; mỗi tháng/lần có “no meeting day” – ngày không họp.
Từ đó, đơn vị giảm được 63% lượng thời gian lãng phí đi khi họp.
Không nhất thiết phải quan tâm tới nhân viên bằng tiền, Chủ tịch Acecook Việt Nam thỉnh thoảng dành thời gian gửi thông điệp quan trọng tới cán bộ nhân viên qua những bức thư với tên gọi là “Love letter” – thư tình, thay cho các văn bản hành chính khô khan.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ, thời gian chính là thước đo quan trọng nhất thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo công ty dành cho nhân viên.
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, đánh giá, doanh nghiệp đang đưa ra nhiều quy định giúp người lao động tiết kiệm thời gian.
Ở góc độ vĩ mô, những bất ổn, những “cơn gió ngược” của nền kinh tế thế giới đã, đang tác động tới Việt Nam trong bức tranh đầu tư, hoạt động thương mại. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực để từng bước vượt qua các cơn gió ngược, sóng ngầm. Doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững dựa trên chiến lược nhân sự ưu tú, đầu tư cho môi trường làm việc, nâng cấp kỹ năng, xây dựng sức khoẻ tinh thần cho nhân viên.
Kết thúc phần thông tin về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện nay, bà Thanh Nguyễn đưa ra ẩn dụ thú vị từ bàn cờ vua.
Bà Thanh Nguyễn ví von, nếu coi nhân viên là “quân tốt” trên bàn cờ thì hãy dành sự trân trọng nhất cho “quân tốt” âý.
“Quân tốt là quân yếu nhất trên bàn cờ, nhưng nó không bao giờ đi lùi. Quân tốt chỉ đi được từng bước nhỏ, nhưng khi tới được cuối bàn cờ, quân tốt có thể biến thành bất kỳ quân cờ nào mà chúng ta mong muốn, như tượng, mã, xe, hậu. Lúc đó, chắc chắn, cuộc chơi sẽ hoàn toàn thay đổi đối với một tổ chức”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ.