(Dân trí) – Hành trình của Việt Nam với mục tiêu trở thành trung tâm AI hàng đầu tại Đông Nam Á mở ra những cơ hội hấp dẫn cho nền kinh tế số tăng trưởng và phát triển.
Việt Nam nổi lên như một trung tâm công nghệ Đông Nam Á, thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, nền kinh tế số Việt Nam những năm qua đã tăng trưởng với con số ấn tượng, thậm chí dẫn đầu khu vực ở một số lĩnh vực.
Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á – Thái Bình Dương để hiểu rõ hơn bức tranh về nền kinh tế số Việt Nam, cũng như tiềm năng phát triển kinh tế nhờ công nghệ của nước ta trong tương lai.
Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024”, nền kinh tế số của Việt Nam đã có sự vươn mình mạnh mẽ nhờ công nghệ. Ông có thể chia sẻ về triển vọng và động lực tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam?
-Nền kinh tế số của Việt Nam trong 5 năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, bền bỉ vượt qua nhiều trở ngại, thách thức. Năm 2024, Việt Nam duy trì tỷ lệ tăng trưởng ở mức hai con số, được thúc đẩy chủ yếu bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến.
Sự tăng trưởng bền vững này cho thấy tiềm năng và vị thế của Việt Nam là một thị trường số đang phát triển mạnh mẽ, dự báo đạt 200 tỷ USD vào năm 2030.
Lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam cũng nổi lên với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các nhà phát triển Việt tài năng cũng đang tạo được tiếng vang trên toàn cầu khi phát triển nhiều ứng dụng phổ biến được người dùng toàn cầu đón nhận.
Sự quan tâm ngày càng cao của người Việt đối với trí tuệ nhân tạo (AI) cùng sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho AI và công nghệ bán dẫn đã tiếp thêm động lực phát triển cho bức tranh toàn cảnh về kỹ thuật số của Việt Nam.
Mặc dù nguồn vốn tư nhân bị tác động bởi những thách thức của kinh tế toàn cầu, song niềm tin của các nhà đầu tư vẫn được giữ vững, đặc biệt ở các lĩnh vực như phần mềm, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và AI.
Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ dân số trẻ cao, hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường số đầy hứa hẹn tại khu vực Đông Nam Á.
Ngành công nghiệp và lĩnh vực nào hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, thưa ông?
-Chuyển đổi số tại Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên của sự đổi mới, cách mạng hóa các ngành công nghiệp và định hình lại các mô hình kinh doanh; bằng cách tận dụng những công nghệ tiên tiến, các tổ chức có thể nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tinh giản hóa hoạt động và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu sẵn có.
Các lĩnh vực chính được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số như dịch vụ tài chính: ngân hàng số, phát hiện các hành vi gian lận bằng AI và tư vấn tài chính cá nhân hóa; y tế: chăm sóc tư vấn sức khỏe từ xa, chẩn đoán hỗ trợ bằng AI và hồ sơ y tế điện tử; bán lẻ: thương mại điện tử, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng).
Công nghệ còn góp phần phát triển trong lĩnh vực sản xuất với nhà máy thông minh được kết nối IoT, bảo trì dự đoán và khả năng hiển thị chuỗi cung ứng; giáo dục: học trực tuyến, cá nhân hóa việc giảng dạy và gia sư AI.
Cùng với đó chính là ngành vận tải và logistics: theo dõi GPS, xe tự lái và logistics theo thời gian thực.
Khi nền kinh tế số tiếp tục phát triển, những lĩnh vực trên sẽ tăng trưởng và đổi mới mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế, tạo thêm việc làm cùng các tiến bộ xã hội.
Theo ông, đâu là những yếu tố chủ chốt đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam?
– Sự kết hợp chặt chẽ giữa quá trình số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) sẵn sàng đưa nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng, bằng việc tận dụng các giải pháp được hỗ trợ bởi AI, Việt Nam có thể gặt hái những lợi ích kinh tế to lớn.
Việc thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực AI là những bước đi then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế số vào GDP từ 16% năm 2024 lên 30% vào năm 2030.
Cùng với việc tận dụng triệt để tiềm năng của AI sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế và giúp Việt Nam khẳng định vị thế là một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Dự kiến đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt mức 200 tỷ USD. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn đầy tham vọng này.
Ông có thể chia sẻ một số thuận lợi mà Việt Nam đang có để thúc đẩy sự phát triển này?
– Hiện nay, Việt Nam đang có một số lợi thế để phát triển nền kinh tế số dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) như hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các sáng kiến chiến lược cho thấy Chính phủ Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển nền kinh tế số dựa trên AI.
Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam vạch ra tầm nhìn cụ thể cho sự phát triển của AI, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo AI tại Đông Nam Á.
Tầm nhìn này được hỗ trợ bởi các kế hoạch cụ thể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, xây dựng cơ sở hạ tầng AI và đào tạo nguồn nhân lực luôn sẵn sàng trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.
Cam kết của Chính phủ đối với chuyển đổi số được thể hiện rõ nét hơn trong lộ trình số hóa đầy tham vọng, ưu tiên AI và công nghệ bán dẫn cùng với sự tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, Việt Nam đang sở hữu dân số trẻ am hiểu công nghệ và sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ số.
Tỷ lệ dân số có thể đọc và viết cao cùng tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh gia tăng nhanh chóng thể hiện khả năng sẵn sàng thích ứng và sử dụng các dịch vụ số của người dân Việt Nam.
Cùng với đó, sự quan tâm và nhu cầu về AI của người Việt cũng đang tăng đáng kể, đặc biệt ở các khu vực đô thị như TPHCM và Đà Nẵng, kết hợp với nền kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số, sự am hiểu về công nghệ của người dân Việt Nam tạo ra nền tảng thuận lợi cho việc tích hợp các giải pháp ứng dụng AI.
Việt Nam cũng sở hữu một cộng đồng khởi nghiệp năng động, thu hút nguồn lực đầu tư toàn cầu. Thị trường các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều biến động tích cực, phần lớn tập trung vào các dịch vụ số, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp chú trọng đến AI khởi nghiệp và phát triển sôi động.
Bên cạnh đó, đất nước đã thành công thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đáng kể vào lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất quốc tế tại Việt Nam tích hợp AI vào quy trình sản xuất của họ, thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng và phát triển công nghệ AI trong nước ngày một đông đảo.
Dòng vốn FDI này, kết hợp với cam kết của Chính phủ trong việc hỗ trợ thay đổi công nghệ, tạo ra môi trường hợp tác thuận lợi cho sự phát triển của AI.
Bằng cách tận dụng hiệu quả các yếu tố này, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng của AI giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế và cải thiện phúc lợi của người dân.
Việt Nam cần giải quyết những thách thức gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số?
– Hành trình của Việt Nam với mục tiêu trở thành trung tâm AI hàng đầu tại Đông Nam Á mở ra những cơ hội hấp dẫn cho nền kinh tế số tăng trưởng và phát triển. Mặc dù còn tồn tại một số thách thức, nhưng đây cũng chính là những lĩnh vực có tiềm năng lớn khi được đầu tư có chiến lược và nỗ lực tập trung khai thác.
Tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng số và AI hiện nay cho thấy tiềm năng của các chương trình giáo dục và đào tạo trong việc nuôi dưỡng, phát triển lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức chuyên môn cần thiết, rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu thị trường và trình độ của lực lượng lao động, Việt Nam có thể tăng khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực AI nói riêng và kinh tế số nói chung.
Tương tự, những thách thức mà các startup Việt Nam đang phải đối mặt là cơ hội cho chiến lược đầu tư và hỗ trợ một cách có trọng tâm thông qua việc nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động.
Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều việc làm và khẳng định vai trò dẫn đầu khu vực trong phát triển AI.
Bên cạnh đó, Google đã giới thiệu “Báo cáo Cơ hội AI cho Việt Nam – Một số khuyến nghị” – xây dựng dựa trên ba trụ cột của Google về tiến trình AI có trách nhiệm.
Điều này mở ra các cơ hội, thúc đẩy trách nhiệm xã hội, và tăng cường an ninh, báo cáo này đưa ra ba khuyến nghị chính dành cho Chính phủ, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu tại Việt Nam nhằm đem lợi ích của AI đến đông đảo người Việt.
Để đạt được mục tiêu này, sự hợp tác giữa các bên thực sự quan trọng bao gồm vào hạ tầng đổi mới sáng tạo, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho kỷ nguyên AI và thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận AI một cách toàn diện.
Ông có thể chia sẻ về vai trò của giáo dục trong sự phát triển nền kinh tế số?
– Nhân tài là động lực quan trọng giúp thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trong mọi ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số đang ngày càng phát triển nhanh chóng. Trên thực tế, nền kinh tế số tăng trưởng kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nhân tài số có tay nghề cao.
Để đảm bảo sức cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh AI toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số bền vững, việc trau dồi và trang bị kỹ năng AI cho lực lượng lao động tay nghề cao là điều cần thiết.
Điều này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào giáo dục và phát triển kỹ năng, với trọng tâm là kỹ thuật số, AI và khoa học dữ liệu. Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách kỹ năng số và khẳng định vị thế là trung tâm AI khu vực thông qua việc trang bị những kỹ năng cần thiết cho các cá nhân.
Trong tương lai, ông có kỳ vọng như thế nào về sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á nói chung và khu vực APAC nói riêng?
– Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố độc đáo thúc đẩy sự tăng trưởng đột phá của nền kinh tế số quốc gia. Sự kết hợp giữa lộ trình số hóa do Chính phủ chủ động thúc đẩy, cùng dân số trẻ am hiểu công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động đã tạo nên một môi trường lý tưởng để thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Trong sáu năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một thị trường kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực, liên tục tăng trưởng bền vững. Nếu tận dụng tối đa tiềm năng của AI, Việt Nam có thể củng cố vị thế là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và đưa nền kinh tế số quốc gia lên một tầm cao mới, đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2030.
Google cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số và thụ hưởng làn sóng đổi mới sáng tạo tiếp theo được hỗ trợ bởi AI.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-manh-so/sep-google-chuyen-doi-so-tai-viet-nam-mo-ra-mot-ky-nguyen-cua-su-doi-moi-20241227183537973.htm