“Chúng tôi chưa bao giờ vướng mắc bởi room tín dụng, kể cả năm 2022 khó khăn như thế nhưng cũng chưa bao giờ từ chối giải ngân cho khách hàng vì lý do cạn room” – Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh”, bà Phùng Thị Bình – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Agribank chưa bao giờ gặp khó khăn trong room tín dụng. Ngay từ đầu năm, khi NHNN có định hướng về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đã có kế hoạch cụ thể cho định hướng đó.
“Với quy mô của Agribank, năm 2023 tăng trưởng tín dụng khoảng 7% thì tổng dư nợ cho vay đã tăng thêm khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô (tổng tài sản – PV) của một ngân hàng thương mại nhỏ” – bà Phùng Thị Bình nói.
Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank, 65% lượng tín dụng cho vay của Agribank phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Do vậy trong trường hợp cạn room tín dụng, ngân hàng sẽ đề xuất lên NHNN.
“Thực sự năm 2023 là một năm rất khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng của Agribank phản ánh thực sự sức khoẻ của nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay chúng tôi triển khai rất nhiều giải pháp, cũng như ban hành rất nhiều gói sản phẩm tín dụng. Đặc biệt, lãi suất cho vay của Agribank luôn thấp nhất trong khối ngân hàng “big4” (Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV – PV). Lãi suất gần như không phải là yếu tố khiến cho tín dụng tăng trưởng chậm mà nguyên nhân chính là khả năng hấp thụ của khách hàng”, bà Phùng Thị Bình nói.
Với sự khó khăn chung của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng, mảng cho vay bán lẻ của các ngân hàng bị suy giảm nghiêm trọng, trong đó Agribank cũng không phải ngoại lệ khi người dân hạn chế vay mua nhà, mua bất động sản, hoặc sửa chữa nhà cửa.
Đặc biệt, với sự suy giảm trong tín dụng của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc lĩnh vực thuỷ sản và nông nghiệp, tín dụng của Agribank cho các doanh nghiệp này giảm khoảng 30% vào đầu năm, và đến thời điểm này đang giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Với những khó khăn trên, tăng trưởng tín dụng của Agribank đến 30/11/2023 mới chỉ đạt trên 5%, trong khi từ đầu năm NHNN giao cho chúng tôi room tín dụng 7,5%. Có khả năng đến 31/12/2023 Agribank sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng như NHNN giao. Chúng tôi chưa bao giờ vướng mắc bởi room tín dụng, kể cả năm 2022 khó khăn như thế nhưng cũng chưa bao giờ từ chối giải ngân cho khách hàng vì lý do cạn room”, bà Phùng Thị Bình cho biết.
Trước thực trạng chung nợ xấu của các ngân hàng có sự gia tăng đáng kể trong quý 3 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Agribank khẳng định, với đặc thù ưu tiên khách hàng nhỏ lẻ, không tập trung quá nhiều nguồn vốn cho một khách hàng lớn, ngân hàng vẫn đang kiểm soát được tình hình nợ xấu.
Hơn nữa, ngay từ tháng 4/2023 NHNN đã ban hành chính sách về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02) cũng là một giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ khách hàng.
“Hiện nay chúng tôi vẫn đang kiểm soát tỷ lệ nợ xấu là dưới 1,9%, tỷ lệ này là có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay.
Chia sẻ về những ưu tiên cho phát triển tín dụng xanh, bà Phùng Thị Bình cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tại Agribank tăng trưởng nhanh từ 100 – 380%/năm (từ 1.727 tỷ đồng năm 2018 lên 13.010 tỷ đồng năm 2020).
Tính đến 31/10/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt hơn 12.098 tỷ đồng, với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp…