Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018 được xem là thiết bị an toàn cuối cùng kiềm chế căng thẳng liên Triều leo thang. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang ở thế mong manh khi cả hai bên đều có động thái phá bỏ.
Ngày 23/11, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngay lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự bị hạn chế tạm thời. (Nguồn: Reuters) |
Liên tiếp đưa ra tuyên bố về quân sự
Ngày 23/11, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngay lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự mà đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới ở biên giới với Hàn Quốc.
Động thái trên của Bình Nhưỡng diễn ra vài giờ sau khi Seoul đình chỉ một phần thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai miền ký ngày 19/9/2018 để phản ứng việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự hôm 21/11.
Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ “không bị kiềm chế” bởi thỏa thuận quân sự nêu trên nữa, cảnh bảo rằng, Seoul sẽ phải trả giá đắt vì quyết định của mình.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Triều Tiên nhấn mạnh, quân đội nước này sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19/9/2018.
Bình Nhưỡng nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hủy bỏ các biện pháp quân sự vốn được thực thi nhằm ngăn ngừa căng thẳng quân sự và xung đột ở tất cả khu vực, như trên bộ, trên biển và trên không và sẽ bố trí lực lượng vũ trang hùng mạnh cùng thiết bị quân sự tiên tiến tại các khu vực biên giới”.
Báo giới Hàn Quốc đã đưa ra nhiều bình luận nhận định rằng, tình hình căng thẳng trên bán đảo đang bị đẩy cao và bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra những xung đột cục bộ trong thời gian tới.
Trước đó, hãng tin Yonhap ngày 22/11 đưa tin, chính phủ nước này đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều ký kết hồi năm 2018 nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự.
Theo Yonhap, quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các bất thường do Thủ tướng Han Duck Soo chủ trì. Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo sẽ thực hiện các bước để tạm đình chỉ một phần thỏa thuận trên, cũng như nối lại các hoạt động do thám và giám sát quanh khu vực biên giới liên Triều.
Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018, kêu gọi dừng mọi hoạt động quân sự thù địch giữa hai bên, cũng như thiết lập các vùng đệm trên biển và biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình và nhiều biện pháp khác.
Theo tờ Kookmin Ilbo, do Triều Tiên tuyên bố triển khai lực lượng mạnh hơn và thiết bị quân sự mới dọc theo Đường phân giới quân sự (MDL), Hàn Quốc cũng cần phải chuẩn bị đối phó với những kịch bản phù hợp.
Thứ nhất, thế trận an ninh hiện nay, được thiết lập dựa trên Thỏa thuận ngày 19/9/2018, phải được xem xét lại từ đầu và tái tổ chức để đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng.
Thứ hai, Hàn Quốc phải chuẩn bị cho khả năng đối phó các hành động khiêu khích vũ trang như xâm nhập bằng đường biển, chiếm đóng các hòn đảo phía Tây Bắc, xâm nhập của tàu ngầm; cũng như các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng quốc gia như nhà máy điện hạt nhân.
Thứ ba, trong bối cảnh mối đe dọa khiêu khích ngày càng gia tăng, chính quyền cũng cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho quân đội và người dân.
Thiết bị an toàn cuối cùng bị loại bỏ?
Trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích chỉ ra rằng, ưu tiên hàng đầu với Hàn Quốc là tạo ra sức răn đe mạnh mẽ để Triều Tiên thậm chí không muốn tính đến việc khiêu khích.
Để làm được như vậy, thế trận phòng thủ chung của Hàn Quốc và Mỹ phải được tăng cường hơn nữa và việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu luôn phải được duy trì. Cùng với đó, hoạt động trinh sát, tình báo phải được tăng cường mạnh mẽ để phát hiện trước những âm mưu khiêu khích.
Trong khi đó tờ Korea Times cho rằng, nếu Hàn Quốc đáp trả bằng cách hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận 19/9/2018, thỏa thuận này có thể chính thức sụp đổ, kéo theo nhiều hệ lụy, chẳng hạn như các cuộc đụng độ bộc phát có thể xảy ra ở khu phi quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won Sik mới đây phát biểu tại Quốc hội rằng, trong 5 năm qua Triều Tiên đã vi phạm thỏa thuận này tới 3.500 lần.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thống kê các hành động khiêu khích của Triều Tiên đối với Hàn Quốc, tổng cộng là 228 hành động dưới thời chính quyền Tổng thống Lee Myung Bak (giai đoạn 2008-2013) và 108 hành động trong chính quyền Tổng thống Park Geun Hye (2013-2017), đã giảm xuống còn 5 hành động trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Moon Jae In giai đoạn (2017-2022). Người ta cho rằng, thỏa thuận giảm căng thẳng ít nhiều cũng đã có những hiệu quả nhất định trong việc hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên.
Tờ Korea Times bình luận, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên luôn ở thế “trồi sụt” dưới các đời tổng thống theo trường phái cấp tiến và bảo thủ. Việc phá bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng sẽ loại bỏ thiết bị an toàn cuối cùng.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, quyết định đình chỉ một phần CMA của Hàn Quốc là một “phản ứng thận trọng và kiềm chế” với lý do Triều Tiên “không tuân thủ thỏa thuận”.
Theo Yonhap, Hàn Quốc đã nối lại việc sử dụng máy bay trinh sát có người lái và không người lái ở khu vực biên giới trong ngày 22/11.
CMA được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Moon Jae In, một trong những biện pháp cụ thể nhất được đưa ra sau nhiều tháng ngoại giao bị đình trệ.
Giáo sư Moon Chung In tại Đại học Yonsei, người từng là cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Moon trong cuộc hội đàm với ông Kim Jong Un năm 2018, cho rằng mặc dù Triều Tiên không tuân thủ tất cả các điều khoản của thỏa thuận, nhưng việc bãi bỏ CMA có thể làm tăng nguy cơ đối đầu dọc theo biên giới.
Bruce Klingner, cựu nhà phân tích của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) hiện đang làm việc cho Heritage Foundation tại Mỹ, nhận định, về mặt lý thuyết CMA là một thỏa thuận tốt vì các biện pháp giảm thiểu rủi ro cũng như xây dựng lòng tin và an ninh đều có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, khi các biện pháp tiếp theo bị đình trệ, thỏa thuận này cũng có nhiều bất cập.