(Dân trí) – Từ độ cuối tháng 4, đầu tháng 5, các hồ sen ở tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu bung hoa, tô điểm thêm cho đô thị di sản. Sen mang thu nhập ổn cho người trồng.
Kinh thành Huế là di sản thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 1993. Nơi đây ngoài các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và văn hóa, còn có hệ thống cây xanh, hồ nước, hộ thành hào có chức năng tạo cảnh quan, điều hòa không khí và bảo vệ Đại nội.
Từ xa xưa, vua chúa triều Nguyễn đã cho trồng sen ở các hồ nước, hộ thành hào quanh Đại nội Huế để làm đẹp cảnh quan.
Sen Huế nguyên thủy có màu trắng, nổi tiếng là sen quý, được trồng từ thời các chúa Nguyễn, liên tục đến đời Gia Long. Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh, văn hóa cho đến ẩm thực trong đời sống của người dân cố đô.
Từng có thời gian vì nhiều lý do, giống sen trắng quý dần mai một và mất hẳn, sau đó được phục hồi và trồng nhiều ở hồ Thái Dịch, hồ Tịnh Tâm và hộ thành hào phía Đông kinh thành Huế.
Một người trồng sen trắng ở hộ thành hào, kinh thành Huế cho biết, trồng sen trắng là nghề truyền thống, phục vụ cho nhiều mục đích như dùng hoa sen để trang trí, cắm trên những bàn thờ Phật, đưa vào chùa.
Nhiều món ăn mang đặc trưng xứ Huế cũng được chế biến từ thành phẩm của sen như chè hạt sen, cơm sen, lá sen, trà tim sen.
Theo tài liệu nghiên cứu, dưới thời triều Nguyễn, ao hồ ở các khu di tích thường chỉ trồng sen trắng – giống sen có bông thơm, hạt ngon.
Thời điểm này, hàng trăm búp sen trắng hồ Tịnh Tâm bắt đầu nở hoa.
Điều thú vị, dọc hộ thành hào ở phía đông kinh thành Huế được trồng sen trắng và hộ thành hào phía tây lại trồng sen hồng phấn, loài lai của sen trắng và sen hồng đậm có nguồn gốc từ miền Nam.
Du khách đến tham quan di sản Huế rất thích thú với những hồ sen đua nở, khoe sắc.
Giống sen trắng được trồng nhiều ở hồ Tịnh Tâm (thuộc phường Đông Ba), 1 trong 20 thắng cảnh đẹp nhất xứ kinh kỳ thời triều Nguyễn.
Hồ sen trắng tại Tịnh Tâm vừa tạo công ăn việc làm cho những người dân sống trong khu vực vừa giúp hạn chế tối đa việc người dân tiếp tục xả rác xuống hồ gây ô nhiễm nặng. Đặc biệt tạo thêm một điểm nhấn về du lịch vốn có tính văn hóa, lịch sử rất giá trị của Huế.
Tại Thừa Thiên Huế, người dân thường trồng sen vào tháng 12 đến tháng 2 dương lịch và thu hoạch từ khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, mùa vụ kéo dài 40-50 ngày. Sau đó các hồ sen tàn dần.
Để đảm bảo sản lượng và chất lượng của hạt sen, người trồng sen cần căn chỉnh đúng thời điểm, không thu hoạch khi sen còn non hoặc để sen quá già.
Không chỉ khu vực kinh thành, cây sen được trồng nhiều ở ao, hồ, vùng có địa hình thấp trũng tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Sen rất dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí phân bón thấp. Một thuận lợi với người trồng sen ở Thừa Thiên Huế là đầu ra rất ổn định.
Hàng năm, người dân còn được tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu các phương pháp, kỹ thuật trồng sen lấy hạt, trồng sen xen canh với nuôi cá và đưa những giống sen mới cho năng suất cao vào trồng.
Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị ngập nước, các vùng thấp trũng, ao hồ… để phát triển trồng sen lấy hạt, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.
Hạt sen Huế hiện được bày bán nhiều ở đường Đinh Tiên Hoàng, dọc bờ hồ Tịnh Tâm (phường Đông Ba, thành phố Huế), trong các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự. Giá hạt sen tươi, chưa bóc vỏ hiện khá cao, bình quân 55.000-60.000 đồng/kg.
Gần đây, một số người ở Huế còn sáng tạo nhiều sản phẩm từ sen như nón lá sen, tranh lá sen, trà hoa sen, bột sen gạo mầm, bánh sen gạo mầm, rượu sen,… để cung cấp cho thị trường.
Một số người trồng sen ở Thừa Thiên Huế còn đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ khách du lịch, hướng đến việc chia sẻ mô hình để nhiều người trồng sen khác cùng làm, cùng có thêm thu nhập.
Ông Võ Đại Phong, ở thành phố Huế hiện có hơn 20ha mặt nước để trồng sen lấy hạt. Từ đầu vụ sen năm nay ông mở thêm dịch vụ đón khách xuống đầm để chụp ảnh, trải nghiệm thú chơi ướp trà sen, một thú chơi tao nhã của người Huế xưa.
Hay cánh đồng sen rộng hơn 10ha tại thôn Vân Cù và Nam Thanh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà hiện được chủ nhân trang hoàng, tạo dựng thêm nhiều cảnh vật để thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh.