Tại sự kiện “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục” tổ chức sáng nay 15.8, nhiều ý kiến giáo viên ở các địa phương tiếp tục bày tỏ lo lắng về việc dạy học các môn tích hợp ở cấp THCS trong bối cảnh chưa có giáo viên được đào tạo tích hợp, giáo viên dạy đơn môn sau một thời gian tập huấn ngắn ngủi chuyển sang dạy tích hợp khiến chất lượng dạy học không như mong muốn…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng tình với những nhận định trên và cho rằng đây là điểm mới, điểm khó, điểm vướng, điểm nghẽn trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thời gian qua.
Theo ông Sơn, khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải khó khăn nhất định.
Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng còn nhiều giáo viên còn lúng túng và là một thách thức lớn, nhất là với giáo viên vùng khó khăn, dẫu đã được tập huấn, bồi dưỡng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin: “Căn cứ vào thực tế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS. Có thể vẫn kiên trì ở tiểu học nhưng với THCS sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với môn tích hợp”.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định dù điều chỉnh thế nào cũng cố gắng để không gây xáo trộn đội ngũ hiện nay, nhất là đội ngũ đã được đào tạo, bồi dưỡng; việc thay đổi chỉ tốt hơn, hiệu quả hơn cho việc đổi mới. Nếu có đó sẽ là điều chỉnh lớn nhưng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Vừa qua, Báo Thanh Niên đã có một loạt bài phản ánh ý kiến nhận xét, đề xuất của nhà giáo, chuyên gia về việc triển khai dạy học tích hợp. Trong đó, bài viết của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội): “Nên bỏ tích hợp một số môn học để “lối cũ ta về” nhận được sự đồng tình đặc biệt của giáo giới.
Sau khi phân tích cụ thể những bất cập của việc dạy tích hợp, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng việc triển khai thực hiện tích hợp 3 môn lý, hóa, sinh thành môn khoa học tự nhiên; tích hợp 2 môn sử, địa thành môn lịch sử và địa lý quá khiên cưỡng; không thấy ưu điểm, chỉ thấy rắc rối cho việc giảng dạy của giáo viên môn khoa học tự nhiên.
“Tôi đề xuất sau khi thay toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 (năm 2025), đề nghị Quốc hội và Chính phủ đánh giá toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các bộ sách giáo khoa đã được sử dụng. Theo tôi, nên bỏ việc tích hợp một số môn học ở THCS. Lối cũ ta về: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý là những môn học độc lập, sách giáo khoa in riêng cho từng môn”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang viết.
Sau bài viết này, Báo Thanh Niên đã nhận được ý kiến đồng tình, chia sẻ, kiến nghị điều chỉnh môn tích hợp của đông đảo nhà giáo trên cả nước.