Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 lần thứ 7 của UBND tỉnh Hải Dương, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã nghe và cho ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình của các sở, ngành, địa phương, trong đó xem xét ý kiến về việc xây dựng thêm nhiều phòng học kiên cố.
Tại phiên họp, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương đề nghị điều chỉnh, bổ sung đối tượng, cơ cấu nguồn vốn thực hiện đề án xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 – 2025.
Theo tờ trình, trong giai đoạn này, Sở GD-ĐT đề nghị đầu tư xây dựng 383 phòng học kiên cố, đạt chuẩn thay thế phòng học tạm, phòng học mượn và bổ sung phòng học thiếu do tăng học sinh.
Trong đó, đầu tư 80 phòng học bậc mầm non, 121 phòng học bậc tiểu học và 182 phòng học bậc THCS. Tổng kinh phí dự kiến trên 325 tỉ đồng.
Nguồn vốn thực hiện xây dựng phòng mới ở cấp tiểu học thuộc các xã 100% từ nguồn “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Đối với các trường tiểu học ở các phường, thị trấn, kinh phí xây dựng 100% từ ngân sách cấp tỉnh. Bậc mầm non và THCS, ngân sách tỉnh hỗ trợ 55%, còn lại 45% sử dụng ngân sách cấp huyện.
Ông Lưu Văn Bản yêu cầu làm rõ cơ chế hỗ trợ đối với các trường liên cấp. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về tính chính xác khi rà soát các phòng học còn thiếu tại các cấp. Do quy định về đầu tư công đối với các xã nợ đọng xây dựng nên UBND cấp huyện là chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng phòng học thiếu. Vì vậy, cần bỏ nội dung ngân sách cấp xã trong đề án.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu trong năm 2024 phải hoàn thành việc xây mới phòng học thiếu để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Việc xây dựng bám sát các quy định để bảo đảm tiêu chí phòng học đạt chuẩn.
Sở GD-ĐT tiếp thu ý kiến các đại biểu dự phiên họp, chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và cho ý kiến trước ngày 28.10.