Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp
Báo Lao Động vừa có bài viết dẫn ý kiến của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, VCCI đưa ra quan điểm về việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau.
Điều 17 của dự thảo quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau. VCCI cho rằng “không có cơ sở và đi ngược quy luật thị trường”.
Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ tới đây, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Những ý kiến còn tranh cãi, Ban soạn thảo sẽ trình nhiều phương án để xem xét.
“Trong dự thảo tới, chúng tôi sẽ trình thêm phương án cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán của nhau như góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, để Chính phủ xem xét, quyết định phương án phù hợp với thực tiễn, đảm bảo khách quan, khoa học”, bà Hiền cho hay.
Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở phía Nam cho Lao Động biết, thương nhân phân phối là doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh, nếu không được mua chéo của nhau sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường.
“Trong những giai đoạn giá cả thất thường, nhờ được mua bán chéo nên các thương nhân phân phối có thể chia sẻ với nhau về lượng, giá bán. Hạn chế quyền này thị trường chưa chắc đã ổn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.
Phân phối xăng không được mua lẫn nhau có thể là hành vi cản trở cạnh tranh
Thẩm định nội dung dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tư pháp chỉ ra nhiều vấn đề cần được làm rõ, trong đó có liên quan đến pháp luật về cạnh tranh kinh doanh.
Khoản 1, Điều 17 dự thảo Nghị định quy định “thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”. Song, các thương nhân này lại “không được mua bán xăng dầu lẫn nhau”.
“Việc giới hạn như trên về nguyên tắc sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh tại khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018”, Bộ Tư pháp nêu ý kiến thẩm định.
Khoản 2, Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Với quy định ở trên, Bộ Tư pháp cũng lưu ý, đề xuất ở nghị định xăng dầu đối với thương nhân phân phối nêu trên có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường bị nghiêm cấm được nêu tại điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh, đó là “ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp… phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể”.
Việc chỉ cho thương nhân phân phối mua hàng của thương nhân đầu mối khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu lo ngại sẽ trao quyền quá lớn cho đầu mối, khiến họ phụ thuộc cả về nguồn cung và lợi nhuận.
Trường hợp nếu dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu không cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, ông Nguyễn Tiến Thoả – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần cụ thể hóa thêm những điều kiện trong nghị định.
Trong đó, quy định một cơ chế liên kết, kết nối chặt chẽ, kiểm soát được lẫn nhau trong hệ thống cung ứng xăng dầu theo “chiều dọc” từ thương nhân đầu mối, đến thương nhân phân phối trở đi thông qua hợp đồng, qua cam kết.
Đồng thời có đăng ký hệ thống cung ứng với trách nhiệm cao hơn trong việc đảm bảo nguồn, chia sẻ chi phí kinh doanh, chiết khấu với nhau hợp lý để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khoảng 300 thương nhân phân phối và 32 thương nhân đầu mối.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương có thể hướng dẫn cụ thể các nội dung cam kết, giám sát các cam kết để thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng “chèn ép” lẫn nhau trong kinh doanh.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/se-trinh-phuong-an-cho-doanh-nghiep-phan-phoi-xang-dau-mua-cheo-nhau-1374183.ldo