Chiều nay 9.10, Bộ KH-CN tổ chức họp báo định kỳ quý 3. Tại cuộc họp báo, đại diện các cục, vụ liên quan của Bộ KH-CN đã chia sẻ các thông tin xung quanh vấn đề nâng cao điều kiện làm việc, chất lượng sống của các nhà khoa học.
Chính sách ưu đãi chưa như kỳ vọng
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ KH-CN), bộ đã nhận thấy một số vướng mắc trong vấn đề nêu trên nên tiến hành rà soát bước đầu những khó khăn gặp phải trong thời gian qua. Sắp tới, khi triển khai sửa đổi luật KHCN, Bộ KH-CN dự kiến sẽ bổ sung một số chính sách. Chẳng hạn như làm rõ hơn về các khái niệm như nhà khoa học, nhà khoa học đầu ngành, để có những ưu đãi tương ứng với các chức danh này.
“Chúng ta biết là thời nay việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, trong doanh nghiệp cũng rất nhiều. Chúng tôi dự kiến sẽ quy định rõ hơn các chức danh công nghệ, để thể hiện sự quan tâm của nhà nước cũng như các chính sách ưu đãi liên quan tới các chức danh này. Hoặc, cũng sẽ bổ sung những quy định liên quan đến việc các bộ, ngành sẽ phải quan tâm hơn trong việc đào tạo nhân lực KH-CN, để nâng cao chất lượng và năng lực các nhà khoa học trẻ cũng như các nhà khoa học tài năng”, bà Diệp chia sẻ.
Còn bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, cho biết thực hiện luật KHCN, từ năm 2013, Bộ KH-CN phối hợp một số bộ, ngành xây dựng và ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ ban hành một số chính sách liên quan tới việc nâng cao đời sống của nhà khoa học. Trong đó, có một số chính sách đặc thù ưu đãi đối với nhóm nhà khoa học chất lượng cao như nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng.
“Tuy nhiên, như Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã đề cập, mặc dù mong muốn và kỳ vọng rất nhiều, nhưng những chính sách dành cho cá nhân hoạt động KH-CN còn rất khiêm tốn. Trong đó, có vấn đề tiền lương và thu nhập đối với người làm khoa học thì thực sự là chưa tương xứng với những cống hiến, đóng góp của lực lượng này với sự phát triển KH-CN và phát triển kinh tế – xã hội”, bà Vân Anh nói.
Tổ chức khoa học công nghệ sẽ được tự chủ toàn diện
Theo bà Vân Anh, một trong những cơ chế giúp các tổ chức KH-CN thực hiện được việc chi trả tiền lương và thu nhập cho người làm việc trong tổ chức mình có thể cải thiện hơn, đó là chính sách tự chủ đối với tổ chức KH-CN.
Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2021). Việc thực hiện nghị định này khiến việc thực hiện chính sách ưu đãi nhà khoa học đã có một số điểm không còn thuận lợi so với trước đây. Ví dụ, trước đây, các tổ chức KH-CN có thể chi trả lương cho nhà khoa học mức cao nhất là gấp 3 lần lương nhưng hiện nay mức này đã bị giới hạn.
Trong khi đó, KH-CN là lĩnh vực sự nghiệp, để xây dựng bảng lương riêng khác với các lĩnh vực khác thực sự là một khó khăn. Tuy nhiên, có một số giải pháp góp phần cải thiện vấn đề này. Trước hết, theo Nghị quyết 27 về về cải cách tiền lương (sẽ được thực hiện từ năm 2024) thì việc chi trả tiền lương theo vị trí việc làm. Khi đó sẽ có cơ chế để thực hiện việc chi trả tiền lương xứng đáng với vị trí, với đóng góp của từng nhà khoa học.
Thứ hai, hiện nay, Bộ KH-CN được Quốc hội và Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm mang tính đặc thù, phù hợp với tổ chức KH-CN công lập. Dự kiến những nội dung sửa đổi, bổ sung đó sẽ giao cho thủ trưởng tổ chức KH-CN quyền được tự chủ một cách toàn diện, chứ không phải như Nghị định 60 hiện nay là chỉ dựa trên cơ sở là tự chủ tài chính. Tự chủ toàn diện, trong đó có nội dung hết sức quan trọng là tự chủ trong công tác nhân sự, tức là tự chủ trong việc tuyển chọn, tuyển dụng, chi trả lương.