Dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật bao gồm Luật Chứng khoán sẽ không còn luật hoá hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin giao dịch của người nội bộ và người có liên quan, nhưng sẽ “mạnh tay” hơn khi áp dụng chế tài.
Sẽ tăng cường chế tài với người nội bộ mua bán chui cổ phiếu
Dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật bao gồm Luật Chứng khoán sẽ không còn luật hoá hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin giao dịch của người nội bộ và người có liên quan, nhưng sẽ “mạnh tay” hơn khi áp dụng chế tài.
Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ của Bộ các Đại biểu Quốc hội về dự luật này.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ, Bộ Tài chính cho biết dự kiến báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo hướng tiếp thu và không bổ sung quy định về hành vi “người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này không công bố thông tin về dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch” vào các hành vi bị nghiêm cấm.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo sẽ tăng cường chế tài xử lý đối với hành vi này thông qua tăng chế tài xử phạt bổ sung đối với hành vi trên tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán hiện đang được sửa đổi, bổ sung.
“Bộ Tài chính tiếp thu và sẽ bổ sung biện pháp, chế tài xử phạt tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán hiện đang được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tương thích với các hành vi bị nghiêm cấm bổ sung tại Dự thảo Luật”, phía cơ quan soạn thảo nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) và đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc bổ sung khoản 6a về hành vi bị nghiêm cấm đối với người nội bộ của công ty đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này không công bố thông tin như tại Dự thảo Luật là chưa phù hợp. Cùng đó, các ý kiến đề nghị nếu như Dự thảo Luật có bổ sung sửa đổi các điều cấm thì cần rà soát, bổ sung lại các nghị định về xử phạt hành chính cho tương thích.
Thực tế, các hành vi mua bán chui cổ phiếu của các cổ đông nội bộ đang được giám sát ngày càng sát sao và nhanh chóng hơn trước đây. Gần nhất, vào ngày 1/11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) loại bỏ giao dịch bán 2,61 triệu cổ phiếu của một ngân hàng bởi nhà đầu tư (liên quan đến lãnh đạo ngân hàng này) không công bố thông tin, không báo cáo trước khi giao dịch. Việc huỷ bỏ thực hiện ngay trên hệ thống giao dịch, chứng khoán và tiền được trả lại bên mua và bán.
Các hình phạt như đình chỉ giao dịch đối với cá nhân vi phạm cũng đã được áp dụng ở nhiều trước hợp. Vào tháng 7/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (mã FDC-HoSE); Ông Lê Thái Thành, Thành viên Hội đồng quản trị và bà Lê Ngân Nhi, người liên quan của ông Lê Thái Thành, Thành viên Hội đồng quản trị với tổng số tiền 740 triệu đồng.
Vào nửa đầu tháng 6/2024, Tổng giám đốc Hồ Anh Tuấn đã mua 1,85 triệu cổ phiếu FDC; bà Lê Ngân Nhi, người liên quan của ông Lê Thái Thành, Thành viên Hội đồng quản trị FDC mua 1,35 triệu phiếu FDC; ông Lê Thái Thành, Thành viên Hội đồng quản trị cũng mua 906.271 cổ phiếu FDC. Cả 3 cá nhân đều không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Ngoài số tiền phạt hành chính lớn, ông Tuấn và bà Nhi đã bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 4 tháng theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Nguồn: https://baodautu.vn/se-tang-cuong-che-tai-voi-nguoi-noi-bo-mua-ban-chui-co-phieu-d229421.html