Bộ NN&PTNT mong sớm chuyển giao nhãn hiệu Gạo Việt Nam cho các cơ quan quản lý để có thể thúc đẩy phát triển, xây dựng nhãn hiệu Gạo Việt Nam, đồng thời cho phép các doanh nghiệp đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới.
Ông Lê Thanh Hòa – phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đã cho biết như vậy khi trao đổi với chúng tôi về nhãn hiệu gạo Việt Nam.
Ông Hòa nói: Thương hiệu gạo Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo xây dựng từ năm 2017 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện xây dựng chứng nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam (VietNam Rice), đăng ký bảo hộ theo thỏa ước Madrid, cũng như đăng ký bảo hộ tại 20 quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Philippines…
Tuy nhiên, việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam đang có những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký các thủ tục mang tính chất pháp lý…
* Vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thể chuyển nhãn hiệu Gạo Việt Nam cho các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng?
– Để sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam, chúng ta phải xây dựng một quy chế để các doanh nghiệp, HTX sản xuất đảm bảo chất lượng hạt gạo theo đúng yêu cầu.
Tuy nhiên, gạo Việt Nam có rất nhiều loại gạo, giống khác nhau nên những quy định về mặt pháp lý, kỹ thuật cơ bản bắt buộc các doanh nghiệp, các nhà sản xuất phải đáp ứng được quy định mới được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam. Như vậy, chúng ta vẫn phải ban hành quy chế để cơ quan quản lý có thể giám sát được chất lượng hạt gạo. Nếu không, chúng ta không thể nào xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam thành công được.
Ví dụ chúng ta xây dựng chứng nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam đối với gạo ST25 – loại gạo hai lần được bình chọn gạo ngon nhất thế giới, nhưng để gắn với thương hiệu Gạo Việt Nam, cần phải có một quy trình giám sát trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản…
Do vậy bản thân doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu gạo của mình hay sử dụng nhãn hiệu Gạo Việt Nam phải tuân thủ quy định trồng trọt tốt, quy trình trong quá trình chế biến, giám sát tất cả mối nguy mất an toàn thực phẩm đối với hạt gạo thì lúc đó mới đảm bảo được chất lượng hạt gạo tốt nhất để có thương hiệu bền lâu.
* Theo ông, chúng ta nên tập trung vào một loại gạo chất lượng làm chủ lực hay nhiều loại gạo để xây dựng thương hiệu quốc gia?
– Trên thực tế, là nước xuất khẩu gạo, Việt Nam đã cam kết đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Do đó việc xuất khẩu gạo vào các thị trường sẽ không phụ thuộc vào chỉ một loại gạo hay một giống lúa mà phải tính đến nhu cầu thị trường.
Ví dụ như xuất khẩu sang châu Phi có thể không cần gạo chất lượng cao, còn xuất khẩu sang các quốc gia mà chúng ta ký hiệp định thương mại tự do như EU lại cần xuất khẩu theo danh mục các giống lúa thơm chất lượng cao đã thống nhất. Nhật Bản và Hàn Quốc lại yêu cầu loại gạo hạt tròn, chất lượng.
Do vậy việc xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam, chúng ta không thể chỉ tập trung vào một giống lúa, một loại gạo đặc biệt nào đó mà phải xây dựng một thương hiệu chung cho Gạo Việt Nam – có nghĩa nói đến gạo Việt là gạo chất lượng nhưng chất lượng sẽ phụ thuộc vào từng giống lúa để chúng ta xây dựng thương hiệu làm sao gạo phải đảm bảo chất lượng, đây là vấn đề then chốt.
* Để xây dựng được gạo Việt trở thành thương hiệu mạnh, nói đến gạo là nghĩ đến Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào làm những gì?
– Từ khi gạo ST25 được bình chọn gạo ngon nhất thế giới, rất nhiều quốc gia đã biết đến gạo Việt và khi nói đến gạo Việt, không chỉ gạo ST25 mà còn nhiều giống gạo khác. Tuy nhiên, để Gạo Việt Nam trở thành thương hiệu mạnh, yêu cầu thị trường là vấn đề tiên quyết.
Từ nhu cầu và thị hiếu của mỗi thị trường, chúng ta phát triển và xây dựng thương hiệu cho từng loại gạo. Chẳng hạn, với thị trường Philippines, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là những đơn vị xuất khẩu lượng lớn. Do vậy, phải xây dựng thương hiệu cho gạo DT8 để làm sao ổn định về chất lượng, nhằm gia tăng thêm giá trị và mở rộng thị phần tại nước này.
Cùng với đó là phải xây dựng một quy trình tốt trong tất cả các khâu mà chúng ta hay gọi là logistics cho hạt gạo từ trên đồng ruộng cho đến tay người tiêu dùng và các quy trình này phải đảm bảo thực hiện tốt nhất.
“Ba nhà” phải đồng hành để xây dựng thương hiệu
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu những sản phẩm gạo Việt có chất lượng cao như gạo A An, gạo ST25… sang các nước Mỹ, EU; gạo Japonica xuất khẩu sang Nhật, Hàn; và đặc biệt gạo DT8 của Việt Nam được Philippines ưa chuộng nhất, nói đến gạo Việt Nam là người ta nói đến DT8.
Đây là những loại gạo có thương hiệu, nhưng để gắn các loại gạo này vào với chứng nhận Gạo Việt Nam để đưa vào các thị trường, vấn đề không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mà bản thân doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu cũng phải đồng hành để đưa hạt gạo khẳng định vị thế trên thị trường tại các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/se-som-co-nhan-hieu-gao-viet-20241210085734538.htm