Kinhtedothi – Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 28/10, Quốc hội thảo luận về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Đề nghị giao quân đội, công an làm chủ đầu tư nhà ở xã hội
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đồng tình với ý kiến phát biểu của các đại biểu khác – nhất là việc nhận diện các nhóm hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trong hơn 8 năm vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho biết, Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới yêu cầu: Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang Nhân dân. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách; có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân và lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho rằng, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc trong vấn đề trên. Do đó, rất khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 5.000 căn nhà xã hội mà Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng.
Để góp phần khắc phục khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội và đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị bổ sung vào Nghị quyết nội dung: Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.
Như vậy sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp, thống nhất về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Luật Nhà ở năm 2023; tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chủ động triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của một phần cán bộ lực lượng vũ trang hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh, giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc xây dựng nhà ở xã hội mới đạt 65%; giai đoạn 2021 đến nay, Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chúng ta mới đạt 35,6%.
“Khi giao cho lực lượng quân đội và công an làm chủ đầu tư, làm đơn vị chủ quản về xây dựng nhà ở xã hội cho lực lượng của mình là rất tốt, do đó, Quốc hội nên xem xét đưa vào Nghị quyết và giao cho quân đội và công an, Chính phủ quy định cụ thể để tháo gỡ nút thắt để đến năm 2030 chúng ta xây dựng được 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như chủ trương đã đề ra – đại biểu Dương Khắc Mai nêu.
Tập trung thực hiện phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới
Tiếp thu giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng thấy rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
Đối với một số nội dung liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, vướng mắc liên quan đến quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… liên quan đến thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.
Từ những vướng mắc khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Chính phủ đã ban hành kế hoạch, đề án và nhiều chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội; Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 và nhiều quy định pháp luật có liên quan để tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. Một số điểm mới, nổi bật của các luật này, đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát và các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư; thực hiện các nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này và các chương trình, đề án, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó, tiếp tục xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để tăng tỷ lệ người có thể mua, thuê; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề này; thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bo-truong-bo-xay-dung-se-phat-trien-da-dang-cac-loai-hinh-nha-o-xa-hoi-de-mua-thue.html