Thông tin tại phiên họp cho thấy, thời gian qua, xác định nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Từ đó, kết quả giải ngân các tháng đầu năm của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan.
Theo số liệu công khai giải ngân tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư y, đến hết tháng 4/2023, Thừa Thiên Huế giải ngân 1.359,149 tỷ đồng/5.758,257 tỷ đồng, đạt 23,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức trung bình của cả nước là 15,65% và xếp thứ 16/114 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Tỉnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, giám đốc các sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án.
Công tác quản lý, giám sát đầu tư công trong năm 2023 tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm giám sát chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Việc áp dụng Phần mềm Quản lý ĐTC bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho công tác phối hợp trong quản lý điều hành, là công cụ cho các chủ đầu tư kịp thời cập nhật tình hình thực hiện dự án, tiến độ giải ngân; báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, xử lý.
Sau khi nghe các sở, ban ngành báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, ĐTC có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Song, việc thực hiện ĐTC chưa đạt như kỳ vọng do tồn tại một số nguyên nhân chưa thể khắc phục triệt để. Cùng với đó, năng lực nhà thầu yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả nêu trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương biểu dương và ghi nhận nỗ lực của các cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan trong việc thực hiện các dự án có khả năng hoàn thành sớm công tác giải ngân (bao gồm 27 dự án có tỷ lệ giải ngân trên 50%). Trong đó điển hình như các dự án: Kè chống sạt lở bờ sông Diên Hồng (96%), Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương (59,1%)…
Ông Phương nhấn mạnh, việc thực hiện tốt ĐTC sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người dân, phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt khi các công trình được đưa vào sử dụng, vận hành sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; cũng như bám công trình, thực hiện thống kê số liệu kịp thời, đúng, đủ. Đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cũng như nâng cao năng lực quản lý của các ban quản lý dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ của công trình.