Thông tư này quy định về kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng) đối với đối tượng kiểm tra.
Đối tượng áp dụng không những đối với các cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoạt động ngân hàng mà còn áp dụng đối với cả các tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
Mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá thông tin, số liệu, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra để đảm bảo đầy đủ, chính xác, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Đồng thời, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng nếu cần thiết. Góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng.
Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất. Bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra giữa hoạt động kiểm tra của các đơn vị kiểm tra, giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra. Đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở yêu cầu, đề nghị, phản ánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức, cá nhân hoặc khi có yêu cầu, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8.2.