Ngày 1/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Giá điện người dân trả cao hơn doanh nghiệp
Nêu ý kiến tại hội nghị, các cử tri đánh giá cao những hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi, khi kỳ họp thứ 7 Quốc hội đã bầu ông Trần Thanh Mẫn là Chủ tịch Quốc hội.
Các cử tri đã nêu 12 kiến nghị cụ thể liên quan đến các vấn đề về giá điện, giáo dục, các chính sách hỗ trợ đối với gia đình người có công… Trong đó, cử tri thành phố Vị Thanh kiến nghị mở rộng tuyến quốc lộ 61C nối thành phố Cần Thơ với trung tâm tỉnh Hậu Giang.
“Quốc lộ 61C đã đưa vào hoạt động trong một thời gian dài nhưng quy mô chỉ có hai làn xe. Tuyến này đi qua các trung tâm kinh tế huyện Châu Thành, thành phố Vị Thanh, quy mô chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai.
Từ đó, tôi kiến nghị Trung ương mở rộng tuyến đường này để Hậu Giang phát triển nhanh, theo kịp các tỉnh bạn”, ông Phạm Thanh Trà, cử tri thành phố Vị Thanh kiến nghị.
Đối với các vấn đề cử tri quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, những nội dung này đã được các cơ quan Quốc hội quan tâm giám sát chặt chẽ trong thời gian vừa qua.
Liên quan đến giá điện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, qua chuyên đề giám sát được thực hiện vào năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, giá điện hiện thay đổi chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Đáng chú ý, điện người dân sử dụng lại có giá chi trả cao hơn so với doanh nghiệp. Đây là một vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh.
Tại Nghị quyết 937 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn nghiên cứu điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào. Từ đó, sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện theo tinh thần xóa mọi rào cản đảm bảo giá năng lượng điện minh bạch.
Đối với các kiến nghị liên quan đến giáo dục, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Văn hóa Giáo dục lưu ý, tổng hợp các kiến nghị của cử tri. Trong đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá cụ thể đối với quy định về chế độ nghỉ hưu đối với đối tượng là giáo viên mầm non nữ.
Hậu Giang phát triển cần “thông” QL61C
Trả lời cử tri Phạm Thanh Trà, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh để thành phố Vị Thanh – trung tâm tỉnh Hậu Giang phát triển, cần phải mở rộng và nâng cấp quốc lộ 61C. Vấn đề này đã được Quốc hội cho chủ trương và đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 106 ngày 28/11/2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù xây dựng công trình đường bộ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 216 ngày 2/3/2024 về việc phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106 của Quốc hội.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản thực hiện dự án nâng cấp tuyến nối Cần Thơ – Hậu Giang hay còn gọi là quốc lộ 61C đoạn qua Hậu Giang.
Còn UBND Cần Thơ là cơ quan chủ quản phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án này bao gồm các nội dung: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C đoạn qua Cần Thơ; đầu tư đường kết nối quận Ô Môn, Thới Lai (thành phố Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đoạn qua thành phố Cần Thơ.
Thông tin thêm cùng cử tri, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, địa phương đang phối hợp cùng các bộ ngành Trung ương hoàn tất các thủ tục có liên quan. Dự kiến sẽ khởi công dự án vào đầu năm 2026.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao tặng 20 phần quà tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; chứng kiến trao biển tượng trưng tặng 100 căn nhà Đại đoàn kết cho tỉnh Hậu Giang.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/se-khoi-cong-nang-cap-quoc-lo-61c-vao-dau-nam-2026-192240701124137862.htm