Sẽ hoàn thiện hồ sơ yêu cầu Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường
Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để bổ sung, hoàn thiện, gửi hồ sơ yêu cầu DOC xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của DOC, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu DOC xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. |
Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố về việc tiếp tục không công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, ngày 2/8/2024, Bộ Công thương cho biết, sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu DOC xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Công thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.
Bởi, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 97 tỷ USD, giảm khoảng 13 tỷ USD so với năm 2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu. Trong đó, xuất khẩu hàng điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ và thủy sản sang Mỹ chiếm kim ngạch lớn.
Hiện, 72 nước đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand…
Việt Nam cũng đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Mỹ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Đến nay, Mỹ đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại và 3 vụ việc tự vệ.
Trong các vụ việc phòng vệ, nếu quốc gia chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường có hàng hoá bị khởi kiện, Mỹ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính toán biên độ bán phá giá, trợ cấp trong các vụ việc chống bán phá giá, trợ cấp khiến mức thuế bán phá giá/trợ cấp tăng cao. Việc này phản ánh chưa thực sự chính xác chi phí và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu.
Thực tế, Bộ Thương mại Mỹ đã áp dụng phương pháp này kể từ vụ đầu tiên với cá tra-basa Việt Nam năm 2002, sau đó duy trì tiền lệ này trong tất cả các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ngày 3/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
“Chúng tôi thất vọng về việc DOC tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Thương mại Mỹ cung cấp nhiều lập luận thuyết phục khẳng định, kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Mỹ. Điều này cũng được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia Mỹ và quốc tế ủng hộ.
Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”.
Nguồn: https://baodautu.vn/se-hoan-thien-ho-so-yeu-cau-my-xem-xet-lai-quy-che-kinh-te-thi-truong-d221545.html