Theo Bộ GD-ĐT, trước khi có dự thảo này, Vụ Pháp chế của Bộ đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ thường xuyên thực hiện rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục để phát hiện những văn bản không còn phù hợp với hệ thống pháp luật, văn bản lỗi thời, không còn tính khả thi, hết hiệu lực áp dụng, qua đó kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, 6 văn bản quy phạm pháp luật được Bộ GD-ĐT đề xuất bãi bỏ gồm:
Thông tư số 23 của Bộ GD-ĐT ngày 23.7.2010 ban hành Quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.
Bộ GD-ĐT lý giải trong những năm vừa qua, việc thực hiện Thông tư 23 đã cơ bản đáp ứng mục đích hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN) của trẻ 5 tuổi trong các cơ sở GDMN.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát và báo cáo của các địa phương, việc cùng lúc thực hiện 2 văn bản (vừa thông tư ban hành chương trình GDMN, vừa thông tư ban hành bộ chuẩn) gây khó khăn cho các cơ sở GDMN (dễ phát sinh hồ sơ, sổ sách), trong khi nội dung bộ chuẩn đã được chuyển hóa vào chương trình GDMN.
Để thực hiện tinh giản văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên mầm non và cơ sở GDMN, Bộ không ban hành thông tư bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới, mà ban hành quyết định cá biệt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng linh hoạt theo các mục đích khác nhau.
Thông tư liên tịch số 13 giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Y tế ngày 16.3.1999 hướng dẫn thực hiện chế độ phục vụ y tế cho học sinh nước ngoài học tại Việt Nam. Lý do vì một số điều của thông tư này không còn phù hợp với luật Bảo hiểm y tế (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Chẳng hạn, luật Bảo hiểm y tế đã quy định người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của nhà nước Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư liên tịch số 13 giữa Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc ngày 7.4.2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14.11.2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Lý do bãi bỏ vì nghị định này đã hết hiệu lực bởi Nghị định số 141 ngày 8.12.2020 của Chính phủ. Các nội dung về chế độ cử tuyển đã có nhiều quy định mới về đối tượng cũng như các chế độ chính sách có liên quan.
Thông tư số 22 của Bộ GD-ĐT ngày 30.5.2011 ban hành quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, luật Giáo dục ĐH đã sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định “Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH”. Hiện nay, nội dung của Thông tư số 22 đã được đưa vào Nghị định số 109 năm 2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH.
Quyết định 28 ngày 30.8.2005 của Bộ GD-ĐT ban hành tạm thời chương trình Tiếng Khmer ở trường tiểu học và THCS. Nội dung về chương trình Tiếng Khmer ở trường tiểu học và THCS hiện đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 34 ngày 15.9.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Bahnar, tiếng Chăm, tiếng Êđê, tiếng Jrai, tiếng Khmer, tiếng Mông, tiếng Mnông, tiếng Thái.
Thông tư liên tịch số 35 ngày 21.4.1994 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý ngân sách giáo dục và đào tạo cũng được đề xuất bãi bỏ. Lý do vì hiện nay các văn bản căn cứ ban hành Thông tư liên tịch số 35 đã được thay thế bởi các quy định của luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Nguồn: https://thanhnien.vn/se-bai-bo-nhung-van-ban-quy-pham-phap-luat-nao-trong-linh-vuc-giao-duc-185240905144012823.htm