Ngày 22.5, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) khai mạc Tuần lễ khoa học công nghệ và sáng tạo năm 2023 (từ ngày 22 – 25.5). Đây cũng là dịp để giới thiệu các đề tài, sản phẩm sáng tạo, mô hình, ý tưởng, giải pháp tiêu biểu của cán bộ, công nhân viên SAWACO và các đơn vị trực thuộc trong phong trào nghiên cứu khoa học, lao động giỏi và sáng tạo.
Từng bước giảm sức lao động thủ công
Tại triển lãm, anh Nguyễn Trần Lam, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty CP cấp nước Tân Hòa đưa đến giải pháp công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường trong vận hành mạng lưới cấp nước. Đây là bước tiến trong công tác kiểm tra dò tìm các điểm rò rỉ nước.
Trước đây, nhân viên Công ty CP cấp nước Tân Hòa khi dò tìm đường ống rò rỉ phải qua các bước đọc chỉ số, đóng van bước để kiểm tra lưu lượng nước có tăng cao hay không, từ đó mới đoán được nguy cơ rò rỉ. Nhân viên trực tiếp mở tủ đồng hồ ghi lại chỉ số, cách 30 phút phải đi ghi chỉ số một lần, sau đó tự tính toán mức độ rò rỉ thủ công. Thường thời gian đi kiểm tra từ sau 0 giờ, khi nhu cầu sử dụng nước của người dân ít.
Từ khi nghiên cứu và áp dụng công cụ tự động tính toán số liệu van bước và cảnh báo bất thường, các giai đoạn làm việc của nhân viên được rút ngắn.
Theo đó, mỗi ngày, máy chủ sẽ tự động gửi cảnh báo dữ liệu bất thường theo lịch trình thông qua kênh Zalo OA. Trong tin nhắn thông báo sẽ có đường link dẫn đến công cụ phân tích sản lượng, áp lực và lưu lượng để có thể xem chi tiết. Từ đó, nhân viên có thể nhận được cảnh báo biến động lưu lượng thất thường trên thiết bị di động. Trên cơ sở đó, xem xét khả năng diễn ra bể, rò rỉ đường ống sớm và triển khai dò tìm nhanh, hiệu quả nhất.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiết kiệm nhân lực, thời gian, nhất là mức độ tính toán bằng máy có độ chính xác cao hơn. Điều này cũng giúp tập trung nguồn nhân lực dò tìm các điểm rò rỉ sau khi có kết quả đóng van bước, rút ngắn được thời gian khi dò tìm đường ống rò rỉ.
“Nhân viên công ty thường xuyên trao đổi sáng kiến, góp ý để ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cải tiến kỹ thuật. Theo xu hướng chung của SAWACO là xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, Công ty Tân Hòa sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng năm nào cũng có sản phẩm chất lượng đem tới cho tuần lễ, góp phần xây dựng thành phố thông minh”, anh Lam chia sẻ.
Anh Nguyễn Trọng Nhân, Tổ trưởng vận hành, Phòng kỹ thuật, Công ty cấp nước Phú Hòa Tân mang đến sáng kiến bộ điều khiển áp lực tự động, sử dụng cảm biến áp lực được kết nối với đầu vào của van giảm áp. Bộ điều khiển áp lực tự động sử dụng ứng dụng điều khiển trên hệ điều hành Android thuận tiện cho công tác theo dõi và điều khiển từ xa.
Theo anh Nhân, khi có sự cố vận hành bộ điều áp Pilot hay khi có sự cố hỏa hoạn trên địa bàn, nhân viên quản lý có thể ngồi tại chỗ điều chỉnh, tăng áp lực từ xa thay cho việc phải chạy ra hiện trường mở van thủ công như trước đây. Hoặc khi có sự cố bể ống nước, chỉ cần nhắn tin SMS để đóng van giảm áp từ xa, không cần chạy ra hiện trường, điều này giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực làm việc.
Dịp này, Công ty CP cấp nước Thủ Đức mang đến sáng kiến “Xây dựng mô hình nhóm xe ứng phó nhanh sự cố khẩn cấp trên mạng lưới cấp nước”. Trên xe ứng phó sự cố khẩn cấp được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết giúp công việc được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, đảm bảo an toàn lao động, đỡ vất vả khi sửa bể đường ống. Xe được thiết kế nhỏ gọn, có thể di chuyển trong khu vực nội thành, đường nhỏ hẹp.
Hiện nay, Công ty CP cấp nước Thủ Đức đang có 5 xe ứng phó vận hành, góp phần giảm sức lao động và nâng cao tính an toàn cho công nhân ngoài hiện trường, đồng thời giảm thời gian xử lý các công việc như sửa bể đường ống, thay đồng hồ nước cỡ lớn, công tác làm hầm đồng hồ tổng, giảm lượng nước thất thoát… Chi phí ước tính tiết kiệm được khoảng 1 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, mô hình giúp đảm bảo được sự an toàn cho các công nhân khi thực hiện các công tác ngoài hiện trường, nhất là vào ban đêm.
Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
Nhằm nâng cao khả năng quản lý thông tin khách hàng, Công ty CP cấp nước Chợ Lớn mang đến sáng kiến “Ứng dụng hệ thống Contact Center trong việc vận hành quản lý và chăm sóc khách hàng”.
Contact Center giúp hiển thị thông tin có sẵn của khách hàng; kết nối linh hoạt chăm sóc khách hàng với các thiết bị bên ngoài như Email, Zalo, Livechat…
Khi áp dụng Contact Center, hệ thống cho phép ghi nhận và truy xuất tự động thông tin của khách hàng khi có cuộc gọi đến. Nhân viên điều hành và tiếp nhận thông tin của khách hàng qua ứng dụng Contact Center chỉ cần một công cụ để xử lý, hỗ trợ khách hàng tiếp xúc qua nhiều kênh liên lạc khác nhau như: văn bản, webchat, trò chuyện video, phương tiện truyền thông xã hội, Email…
“Trước đây, Công ty CP cấp nước Chợ Lớn sử dụng hệ thống Call Center, chỉ tiếp nhận tất cả các nguồn khiếu nại hoặc tất cả xử lý thắc mắc của khách hàng qua điện thoại, qua một đường dây nóng duy nhất. Hiện nay, công ty đang triển khai tương tác với khách hàng trên mọi phương tiện, đồng thời truy xuất được lịch sử tương tác của khách hàng với công ty. Từ đó, công ty có thể theo dõi định danh khách hàng và có cách xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn”, anh Việt, nhân viên hỗ trợ ứng dụng hệ thống Contact Center cho biết.
Tương tự, Công ty CP cấp nước Gia Định mang đến sáng kiến hệ thống Call Center tích hợp nhằm giảm thời gian tiếp khách hàng tại quầy, đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu và thắc mắc của khách hàng. Theo đó, khi có cuộc gọi phản ánh, hệ thống sẽ liên kết dữ liệu khách hàng, hiển thị thông tin theo số điện thoại gọi tới. Đặc biệt, ứng dụng tích hợp nền tảng chủ lực trong quản lý cơ sở dữ liệu mạng lưới cấp nước GIADINHGIS, cho phép xem thông tin vị trí đồng hồ nước của khách hàng.
Sau lễ khai mạc, SAWACO tổ chức hội thảo chuyên đề về ứng dụng ChatGPT trong dịch vụ khách hàng. Buổi hội thảo trao đổi về các vấn đề ứng dụng ChatGPT trong chăm sóc khách hàng, hỏi đáp thủ tục hành chính, hỏi đáp cách điền đơn phiếu, tiếp nhận khiếu nại của khách hàng, phân tích số liệu… phục vụ lĩnh vực cấp nước.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc SAWACO cho biết, hiện nay SAWACO và các đơn vị trực thuộc đang tổ chức các hội đồng khoa học công nghệ. Theo đó, định kỳ 6 tháng 1 lần, SAWACO tổ chức xét duyệt, cá nhân, đơn vị có các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật tốt sẽ được ghi nhận, khen thưởng và tiến hành phổ biến rộng rãi.
Theo ông Bùi Thanh Giang, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các sáng kiến mới, điều quan trọng nhất là để người công nhân được hỗ trợ tối đa và cảm nhận được sự đồng hành với công ty.
“Trong quá trình xây dựng sáng kiến, công đoàn và đoàn thanh niên đã phối hợp tham gia động viên, hướng dẫn, tổ chức lập hồ sơ giúp nhân viên có thêm các phương pháp triển khai. Thậm chí, lãnh đạo các đơn vị đã hỗ trợ toàn bộ tài chính từ công tác nghiên cứu để tránh cho nhân viên công ty lo lắng về tài chính khi thực hiện sáng kiến”, ông Bùi Thanh Giang cho biết.