Ngày 29/6, các quan chức Saudi Arabia cho biết hơn 2.000 tín đồ đã bị sốc nhiệt khi tham gia Hajj – lễ hành hương lớn nhất của người Hồi giáo, sau khi nhiệt độ tại nước này tăng vọt lên 48 độ C.
Trong 4 ngày từ 25-28/6, hơn 1,8 triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về thánh địa Mecca ở Saudi Arabia để thực hiện nghi lễ hằng năm, với các hoạt động chủ yếu được tổ chức ngoài trời, dưới cái nắng gay gắt của mùa Hè tại sa mạc.
Năm nay, nhiều tín đồ cao tuổi tham gia lễ hành hương, sau khi quy định hạn chế độ tuổi tối đa trong thời kỳ dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết chỉ riêng ngày 29/6 đã có thêm 1.721 người bị sốc nhiệt. Bộ này khuyến cáo các tín đồ tránh nắng và uống nhiều nước. Trước đó, báo cáo ghi nhận 287 trường hợp bị sốc nhiệt.
Theo giới chức Saudi Arabia, một lượng lớn người hành hương vẫn ở lại các địa điểm linh thiêng sau khi các nghi lễ chính kết thúc.
Giới chức Saudi Arabia không nêu số người tử vong trong lễ hành hương, song số liệu của nhiều nước cho thấy ít nhất 230 người đã tử vong (không nêu nguyên nhân), trong đó có nhiều người Indonesia.
Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết hàng trăm người đã được đưa đến bệnh viện do gặp các vấn đề tim mạch. Tuy nhiên, số người bị ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt, trong đó có say nắng, kiệt sức, chuột rút và phát ban, có thể còn cao hơn do nhiều người không được điều trị tại các bệnh viện và phòng khám.
Chính quyền Saudi Arabia đã huy động hàng nghìn nhân viên y tế và thành lập các bệnh viện dã chiến để đề phòng các rủi ro về sức khỏe của người hành hương trong dịp lễ linh thiêng này của người Hồi giáo.
Lễ hành hương Hajj năm 2023 ghi nhận số người tham gia kỷ lục kể từ khi ghi nhận 2,5 triệu tín đồ hành hương vào năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Khí hậu tại các quốc gia Vùng Vịnh đang ngày càng khắc nghiệt. Các chuyên gia dự báo mức nhiệt cao nhất 50 độ C trong mùa Hè có thể sẽ xảy ra hằng năm vào cuối thế kỷ này.
Năm 2021, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cảnh báo nhiều khu vực ở Vùng Vịnh sẽ không còn là nơi sinh sống được vào cuối thế kỷ này do sự ấm lên toàn cầu.