Thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm mạnh vào ngày thứ Năm. Áp lực đè nén chủ yếu liên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã gây ảnh hưởng tâm lý xấu tới nhà đầu tư. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.095,6 điểm, tương đương mức giảm 0,5% so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index mất 0,2% xuống 226,10 điểm và UPCOM-Index đi lùi 1,2% để đóng cửa tại 84,99 điểm.
Tuần này thanh khoản đi ngang với giá trị giao dịch đạt 21.191 tỉ đồng. Khối ngoại tiếp tục trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, chủ yếu trên HOSE với giá trị 910 tỉ đồng. HNX ghi nhận mua ròng nhẹ 5 tỉ đồng trong khi giá trị bán ròng trên UPCOM đạt 49 tỉ đồng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 954 tỉ đồng trên cả ba sàn.
MWG (-6,9%), TCB (-3,5%), VNM (-2,4%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số chính được dẫn dắt bởi BID (+1,7%), NVL (+9,3%) và VCB (+0,5%) đã kìm lại đà bán tháo.
Theo quan điểm từ ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán trong nước chưa bị vi phạm, đặc biệt là sau phiên cuối tuần khi các chỉ số phục hồi ấn tượng và đóng cửa cao nhất phiên. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đáy 2 thành công tại vùng 1.070 – 1.080 điểm.
Đồng thời, thị trường cũng đón nhận thêm thông tin vĩ mô tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện cho Ngân hàng nhà nước ngừng phát hành tín phiếu và bơm trả lại thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động.
Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Quang Hinh cho biết: “Những diễn biến này cho thấy môi trường chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục được duy trì theo hướng nới lỏng, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng dòng tiền thông minh sẽ bớt tâm lý thận trọng và dần quay trở lại thị trường. Hướng sang thị trường bất động sản, Chính phủ cũng đang hết sức quyết liệt gỡ vướng về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản.
Có thể thấy rằng, xu hướng hỗ trợ tăng trưởng đang là xu hướng chung của nhiều nước châu Á chứ không riêng Việt Nam. Với định hướng chính sách như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi của tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2023 và năm 2024, từ đó tạo xung lực cho thị trường chứng khoán”.
Ông Hinh cho rằng nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong xu thế đi lên của thị trường để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu. Ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.