Cuối quý I/2024 càng thấy thị trường bất động sản Việt Nam khởi sắc hơn
Tại tọa đàm “Bất động sản dòng tiền Cash-home: Phân khúc căn hộ dẫn dắt thị trường Hà Nội năm 2024” diễn ra vào chiều 24/4, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Vừa qua, Việt Nam đã thông qua nhiều dự thảo luật liên quan tới thị trường bất động sản, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đây là những yếu tố giúp thị trường bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
“Ngay trong quý IV/2023 thị trường đã khởi sắc hơn rất nhiều so với cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Cuối quý I/2024 càng thấy thị trường khởi sắc hơn”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, các giao dịch về giá đã tiếp tục tăng trưởng bình quân 5%, các sản phẩm có giá 3 tỷ đồng trở xuống được nhiều người săn đón. Sản phẩm được người dân quan tâm nhiều nhất là căn hộ và đất nền; giá và mức giao dịch ở khu vực đông dân cư và khu công nghiệp tăng mạnh khoảng 20%.
Phân khúc bất động sản thổ cư cũng nhộn nhịp hơn, giá giao dịch nhà ở khoảng 3-5 tỷ đồng được quan tâm nhiều, khách hàng tập trung nhiều. Phân khúc bất động sản công nghiệp cũng bắt đầu nhộn nhịp, tuy nhiên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chưa có sự tăng trưởng.
Thời gian qua, có 8.000 căn hộ được mở bán trong cả nước, riêng tại Hà Nội đã có 3.000 căn được rao bán. Chỉ số căn hộ tại thị trường Hà Nội tăng mạnh khoảng 48% so với quý I/2019, tại TP.HCM tăng 21% so với năm 2019.
“Đây thực sự là sự khởi sắc, tăng trưởng sôi động hơn của thị trường bất động sản”, ông Đính nhấn mạnh.
Thị trường đã thay đổi
Tại tòa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam bước sang một giai đoạn, một chu kỳ mới sau giai đoạn trầm lắng.
TS Trần Xuân Lượng, Viện phó Viện nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam nhìn nhận, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà đã thay đổi theo phân khúc căn hộ chung cư.
Theo ông Lượng, từ trước đến nay, loại hình căn hộ chung cư người dân sử dụng với mục đích chủ yếu để ở, chỉ có khoảng 15% là để kinh doanh và cho thuê.
“Tuy nhiên, đứng ở góc độ đầu tư để nhìn nhận rằng, ở nước ngoài loại hình căn hộ chung cư cho thuê rất phổ biến nhằm tạo ra dòng tiền”, ông Lượng nói.
Cũng theo TS Trần Xuân Lượng, thời hạn sở hữu căn hộ đã có sự thay đổi theo Luật Nhà ở 2023 sẽ có lợi cho người mua nhà. Điều này đã tạo điều kiện cho các phân khúc căn hộ cho thuê.
Do đó, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà đã thay đổi. Trước đây, người ta thường sợ chung cư, bởi nhiều lý do như: Pháp lý, sổ đỏ hay vấn đề phòng cháy chữa cháy…
“Đây là phân khúc mới, rơi vào thời điểm phù hợp, đặc biệt là hành vi của người mua nhà thay đổi nên phân khúc này trở nên hấp dẫn”, ông Lượng nói.
Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, từ trước đến nay chúng ta thường sử dụng bất động sản chỉ để ở, như vậy sẽ không tạo ra dòng tiền.
Hiện nay, kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn là cho thuê bất động sản, đặc biệt cho người nước ngoài thuê với giá cao rồi đi thuê nơi khác để ở.
Đối với khái niệm nhà ở dòng tiền, đầu tiên phải có người sở hữu, không sử dụng mà khai thác bằng cách cho thuê, tạo ra một nguồn thu nhập.
Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi nó lên giá và bán, bán trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người để lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản.
Dạng thứ hai cần phát triển là sở hữu bất động sản và cho thuê. Phân khúc đi thuê và cho thuê lại, không quan tâm sự thanh khoản, mà tạo ra dòng tiền liên tục, và dòng tiền càng lớn càng tốt.
“Tôi cho rằng, Cash-home đã tồn tại và sẽ phát triển, tới đây không chỉ là phân khúc bất động sản văn phòng, phân khúc bất động sản công nghiệp, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng mà sẽ là phân khúc các căn hộ cho thuê”, ông Ánh nói.
Nguồn: https://www.congluan.vn/sau-thoi-ky-tram-lang-hanh-vi-cua-nguoi-tieu-dung-nguoi-mua-nha-cua-nguoi-viet-da-thay-doi-post293081.html