Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 56,9 triệu USD (tăng trưởng 291% so với cùng kỳ 2022).
Hàng chục nghìn tấn sầu riêng tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi tháng. (Nguồn: VGP) |
Hiện nay, quả sầu riêng tươi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu trái cây.
Tính đến ngày 30/5, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) ghi nhận đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Chỉ riêng tháng 5, sản lượng sầu riêng xuất qua cửa khẩu này đạt hơn 17.500 tấn. Ước tính tháng 6, sản lượng có thể đạt hơn 20.000 tấn.
Tại các tỉnh phía Nam, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.
Trung Quốc đang quan tâm đặc biệt đến chất lượng sầu riêng của Việt Nam, các lô hàng khi nhập khẩu vào thị trường này được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…
Vì vậy, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn và Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi nên cân nhắc, tính toán trước khi đưa xe chở hàng lên khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Trường hợp ùn tắc, có thể phát sinh chi phí lưu kho bãi, hàng hóa phải nằm chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng hoa quả xuất khẩu.
Các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần tính toán chuyển đổi phương thức vận tải (xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt quốc tế) hoặc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu của địa bàn khác để giảm thiểu tình trạng chờ, đỗ dài ngày.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục trao đổi với Ban Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Trung Quốc) để thống nhất cho phép mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.