Lễ hội do Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức. Lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9 tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Cơ hội để quảng bá nông sản Việt
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa – nơi đây được xem là thiên đường của các loại cây nhiệt đới; đặc biệt, có nhiều vườn cây trái trù phú, trải dọc đất nước, cùng sự đa dạng, tinh tế của nhiều loại trái cây.
Với sản lượng hàng năm từ 12 – 14 triệu tấn, các sản phẩm trái cây của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu với kim ngạch từ 3,5 tỷ USD trở lên mỗi năm.
Những năm qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; trong đó hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển sâu, rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, bất chấp sự suy giảm của kinh tế thế giới. Minh chứng, Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và thứ 5 thế giới của Trung Quốc. Về cung cấp trái cây và sản phẩm từ trái cây, Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những kết quả đạt được thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên.
Hiện nay, trái cây Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một số địa phương khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh gần kề với Việt Nam. Đối với các địa phương khác, sự xuất hiện của các sản phẩm trái cây Việt Nam còn khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào… Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.
Việc tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại Thủ đô Bắc Kinh là sáng kiến của liên Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT Việt Nam nhằm góp phần triển khai, hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8 vừa qua.
Mặc dù mới được tổ chức lần đầu, song Lễ hội đã thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm và phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc.
“Đây là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương, tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác tiềm năng về nhập khẩu trái cây tại Trung Quốc. Đồng thời, là dịp thuận lợi để đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc có cơ hội trải nghiệm trực tiếp chất lượng và hương vị đặc trưng, khác biệt của các loại trái cây Việt Nam, từ đó giúp quảng bá thương hiệu quốc gia cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Việt Nam – Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, truyền thống lâu đời; sự gần gũi về địa lý, thổ nhưỡng và khí hậu; sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, là tiền đề để thúc đẩy thương mại hai nước nói chung và trao đổi đặc sản trái cây nói riêng. Việc đưa trái cây của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc là cách để người tiêu dùng có thể thưởng thức hương vị tuyệt vời của nhiều loại trái cây như đang ở Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan của phía Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc và cố gắng của Bộ NNPTNT và Bộ Công thương Việt Nam trong công tác quy hoạch vùng trồng, minh bạch hóa quá trình canh tác, quản lý nghiêm việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc…
Đến thời điểm hiện tại, đã có 12 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước tính khoảng 4,5 tỷ USD vào năm 2024.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, lãnh thổ trải dài trên 15 vĩ độ, đây là điều kiện lý tưởng trồng nhiều loại trái cây mang hương vị đặc trưng, trong đó phải kể đến như: Thanh long, sản lượng hàng năm đạt 1,3 triệu tấn, xoài 1,1 triệu tấn, sầu riêng 1,2 triệu tần, chuối 2,5 triệu tấn, bưởi 1,1 triệu tấn, mít 980.000 tấn, vải thiều 320.000 tấn, nhãn 635.000 tấn, dứa 725.000 tấn, chôm chôm 320.000 tấn…
Đây là những sản phẩm đã được trồng tại các khu vực có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, toàn Việt Nam đã có 5.840 mã số vùng trồng trái cây đã được nước nhập khẩu cấp mã số, trong đó qua thị trường Trung Quốc chiếm 40,2% với 2.350 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu.
“Trái cây Việt Nam không chỉ là món quà tuyệt vời từ thiên nhiên, mà còn là sứ giả của nông sản Việt Nam, mang đậm nét văn hóa của người Việt”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo đó, để thúc đẩy giao thương nông sản giữa hai quốc gia trong thời gian tới, qua lễ hội lần này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn, các cơ quan liên quan của hai nước tiếp tục, tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường nông sản. Đặc biệt các cơ quan của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở rộng các mặt hàng nông lâm thủy sản, nhất là các mặt hàng trái cây đặc sản của Việt Nam được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường của Trung Quốc.
Các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước cần tăng cường hợp tác, liên kết để mở rộng thị trường, phát triển các chuỗi liên kết nông sản bền vững phục vụ xuất khẩu, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như: Xúc tiến thương mại, logistic, chợ đầu mối, chuỗi kho lạnh, bảo quản chế biến và chọn tạo giống…
Cơ quan thương mại và nông nghiệp của hai nước tăng cường phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tổ chức các lễ hội giao thương nông sản tại nhiều địa phương, khu vực tiềm năng khác của Trung Quốc trong thời gian tới.
“Nông sản Việt Nam được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng”
Ông Lý Ngạn, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
Với nỗ lực chung của hai bên, các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài… đã có mặt trên thị trường Trung Quốc. Đồng thời các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như cà phê, phở… cũng được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Cùng với việc triển khai toàn diện của Hiệp định RCEP cũng như việc liên tục nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN, hợp tác giữa hai nước về công nghệ, tiêu chuẩn, sản xuất nông nghiệp đã ngày càng phát triển theo hướng sâu rộng hơn.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây tại Bắc Kinh. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này, tích cực tìm hiểu thị trường Trung Quốc. Tôi cũng hy vọng, người dân Bắc Kinh sẽ nắm bắt cơ hội hiếm có này, để thưởng thức trái cây thơm ngon Việt Nam và giới thiệu hương vị trái cây độc đáo này cho bạn bè người thân của mình”, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ mong muốn.
Ông Trương Ngọc Tỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trung tâm phân phối Nông sản Tân Phát Địa cho biết, một lượng lớn nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mang đến nhiều loại trái cây và rau quả nhiệt đới phục vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc, đáp ứng được nhu cầu đa dạng về thực phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc.
Bắc Kinh là một thành phố quốc tế hóa với dân số lên tới 30 triệu người và nhu cầu về nông sản chất lượng cao là vô cùng lớn. Trung tâm Tân Phát Địa là nơi cung cấp rau củ quả chính cho người dân thủ đô, cung cấp tới 90% nông sản tại Bắc Kinh. Năm 2023, tổng khối lượng giao dịch nông sản tại Tân Phát Địa đạt 15,16 triệu tấn, tổng kim ngạch giao dịch đạt 126,7 tỷ NDT. Tỷ lệ tự cung cấp nông sản của Bắc Kinh là rất thấp, hầu hết nông sản đều đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu từ nước ngoài.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trung tâm phân phối Nông sản Tân Phát Địa cho hay, hàng năm, các sản phẩm nông nghiệp từ 46 quốc gia và khu vực được trưng bày tại Tân Phát Địa, có thể nói: “Chỉ cần bước vào Tân Phát Địa có thể thưởng thức ẩm thực từ khắp nới trên thế giới”.
Đánh giá về Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất, lãnh đạo Tân Phát Địa cho hay: “Lễ hội trái cây Việt Nam là một hội chợ triển lãm tuyệt vời trưng bày tại Bắc Kinh, có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng phản ánh sinh động hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tạo ra cơ hội quý báu để kết nối và trao đổi giữa các doanh nghiệp nông sản Trung Quốc và Việt Nam; đồng thời chắc chắn sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng phát triển”.
“Chúng tôi vô cùng mong chờ sẽ có thêm nhiều loại rau quả Việt Nam chất lượng cao có mặt trên thị trường Trung Quốc, góp thêm sắc màu phong phú cho bữa ăn của người dân thủ đô Bắc Kinh”, lãnh đạo Tân Phát Địa nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT Việt Nam) phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương Việt Nam), Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức “Diễn đàn giao thương, kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam – Trung Quốc”.
Tại Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản. Cụ thể, gồm 4 ký kết, đó là ký kết giữa Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty Phát triển Tân Hợp Tác Bắc Kinh; Hiệp hội rau quả Việt Nam và Hiệp hội hoa quả Trung Quốc; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Kỹ thuật Vân Điền Lương Phẩm Bắc Kinh; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty TNHH Giao dịch Thương mại châu Á.
Nguồn: https://danviet.vn/sau-rieng-thanh-long-xoai-rat-duoc-ua-chuong-o-trung-quoc-mong-cho-co-them-nhieu-trai-cay-chat-luong-tu-viet-nam-20240929234114164.htm