Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sau ngộ độc thực phẩm thường sức khỏe người bệnh suy kiệt và ăn uống không ngon miệng. Do đó, nên chú ý lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, dễ hấp thu, tránh tạo thêm gánh nặng cho hệ đường ruột.
“Người bệnh nên ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm quá nhiều đạm hoặc nhiều dầu mỡ, chất béo vì hệ vi sinh đường ruột chưa phục hồi được như cũ và cơ thể cũng chưa hấp thu được lượng đạm lớn. Đồng thời, người bệnh nên uống nước, chú ý dùng các loại nước sạch, hợp vệ sinh như nước đun sôi, nước đóng chai. Bệnh nhân nên tránh sử dụng các loại thức uống có chứa chất kích thích như bia rượu, cà phê…”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.
Do cơ thể đã mất nhiều chất lỏng, dinh dưỡng và chất điện giải, nên người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng và nước cho cơ thể bằng súp, cháo loãng, nước canh hay nước hầm, các loại trái cây dễ tiêu như chuối, táo…
Sau khi ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chán ăn, khó tiêu. Để khắc phục triệu chứng này, bệnh nhân nên sử dụng một số chế phẩm giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột như men tiêu hóa, sữa chua.
“Trong sữa chua chứa một lượng lớn vi khuẩn đường ruột có lợi, giúp cải thiện và tăng cường tiêu hóa, đồng thời kích thích sự thèm ăn, giúp ăn ngon miệng hơn, khắc phục chứng chán ăn. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc trường hợp không dung nạp sữa, không ăn được sữa chua thì có thể dùng các chế phẩm khác thay thế”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Một số bài thuốc sơ cứu ngộ độc thực phẩm mức độ nhẹ
Bác sĩ Vũ chia sẻ trong trường hợp ngộ độc thực phẩm ở mức độ nhẹ, bạn có thể dùng một số thảo dược để điều trị tại nhà hoặc sơ cứu hỗ trợ cho phương pháp điều trị cấp cứu của y học hiện đại.
Đậu xanh: Hạt đậu xanh có vị ngọt, tính mát. Để chữa ngộ độc thực phẩm dùng đậu xanh nghiền sống hòa nước, uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.
Quả khế: Có vị chua, ngọt, tính bình. Để chữa ngộ độc thức ăn dùng quả khế ép lấy nước uống.
Tỏi: Tỏi vị cay, tính ấm. Khi ngộ độc gây tiêu chảy dùng tỏi 100 g sắc với 300 ml, còn 100 ml cho uống.
Thìa là: Giúp giải độc thức ăn tanh, cua cá, giúp tiêu hóa, chữa nôn, đầy bụng, dùng hạt thìa là 3-6 g nhai nuốt.
Cam thảo bắc: Rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình khi dùng sống, có tác dụng giải độc đối với ngộ độc thịt và nấm. Dùng bài thuốc gồm cam thảo bắc, đại hoàng mỗi vị 20 g sắc uống.
Đậu ván trắng: Hạt đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn được dùng chữa ngộ độc thức ăn gây nôn mửa, tiêu chảy. Dùng bài thuốc gồm đậu ván trắng 20 g, hương nhu 16 g, hậu phác 12 g, sắc uống.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng nặng sau đây cần đến cơ sở y tế điều trị ngay để tránh chuyển biến nặng.
Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, đau bụng dữ dội, sốt cao. Nôn mửa thường xuyên, nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu, nước tiểu có máu. Các dấu hiệu mất nước nặng (mắt trũng, khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu,…). Cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt, tay hoặc chân lạnh, thở nhanh hoặc thở dốc, tụt huyết áp… Thể trạng yếu như người già, trẻ nhỏ, suy giảm miễn dịch…
Nguồn: https://thanhnien.vn/sau-ngo-doc-thuc-pham-co-the-met-moi-nen-an-gi-de-nhanh-hoi-phuc-18524050715084177.htm