Thưa bà, liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nay có nghịch lý nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay vì không có đơn hàng, tình hình sản xuất khó khăn; một số doanh nghiệp muốn vay nhưng lại không đủ điều kiện. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?
– Thật ra, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ gói hỗ trợ lãi suất 2%. Từ xưa đến nay, nhìn các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ được quan tâm hỗ trợ nhiều. Tuy nhiên, phần nhận lại được rất ít và điều kiện được hỗ trợ rất khó.
Đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm trợ lực để phục hồi và phát triển, vậy tại sao phải đặt ra những quy định ngặt nghèo như vậy, khiến tỉ lệ những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện rất ít, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới 100 lao động.
Ngoài ra, do thiết kế chương trình với quy định các dự án có khả năng phục hồi, quy định này khiến cho đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay đều rất lo ngại về việc hiểu thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi.
Tham gia giải trình tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội chiều 1.11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, mới giải ngân được 873 tỉ đồng, gần bằng 2% kế hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sẽ thực hiện tiếp chương trình này đến hết năm 2023; nếu không đạt được, chúng ta sẽ hủy dự toán. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
– Theo tôi, có nhiều điều khoản trực tiếp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, đương nhiên đi cùng với đó là hồ sơ giấy tờ thủ tục đòi hỏi rất cao, song vẫn có nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được tiếp cận gói hỗ trợ.
Do vậy, Chính phủ cần thiết kế điều khoản chuyển tiếp cho doanh nghiệp được nộp hồ sơ từ thời điểm này đến khi gói hỗ trợ lãi suất 2% hết hiệu lực vẫn phải được giải ngân sau đó. Việc giải ngân tính theo thời điểm nhận hồ sơ, chứ không phải tính đến thời điểm giải ngân.
Chủ doanh nghiệp luôn mong muốn được bồi đắp, duy trì doanh nghiệp bằng bất cứ giá nào, hướng đến một tương lai tương sáng hơn. Do vậy, việc bị đứt gãy nguồn lực mà được hỗ trợ, tiếp sức bởi Chính phủ và các ban ngành thì đó là điều rất đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, nếu được thì Chính phủ cần tính toán đến gói hỗ trợ nữa – sau gói hỗ trợ lãi suất 2%, hướng đến nhóm đối tượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa thoát khỏi “cửa tử”, vừa vực dậy qua những khó khăn nhưng “thể trạng” vẫn còn suy kiệt. Nói một cách ví von thì gói hỗ trợ lãi suất 2% giúp hỗ trợ người nghèo thì việc thiết kế một gói hỗ trợ nữa sẽ hướng đến nhóm cận nghèo, để hoàn toàn thoát nghèo.
Với gói hỗ trợ này, thì nhóm nào sẽ được ưu tiên tiếp cận, thưa bà?
– Đó là nhóm thâm dụng lao động như dệt may, da giày và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gói hỗ trợ này sẽ có nhiều cách để hỗ trợ như giãn, giảm, khoanh nợ… Cụ thể như thế nào cần tính toán thêm.
Để thiết kế gói hỗ trợ này, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng cần tính toán có thêm một kỳ họp bất thường để quyết định việc này, để tiếp sức, hà hơi cho những doanh nghiệp vừa thoát khỏi cửa tử nhưng sức khỏe vẫn còn rất yếu. Điều đó, giúp doanh nghiệp an tâm hơn trong quá trình phục hồi và phát triển.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!