Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập (đã có hiệu lực từ 1/1/2012).
Bộ Tài chính cho biết, Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP đã quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế nảy sinh bất cập như: Mức xử phạt thấp, chưa đủ tính răn đe (tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức); thời hiệu xử phạt không phù hợp (1 năm), dẫn tới hầu hết các trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đều đã hết thời hiệu xử phạt.
Với quy định hiện nay, “các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ, không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác (như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán), Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập một số nội dung gồm: Thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là 10 năm; mức phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân…
Đồng thời, bổ sung một số hình thức xử phạt như: thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ hành nghề kiểm toán…
Cả nước hiện có khoảng 2.400 kiểm toán viên hành nghề được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, hơn 220 doanh nghiệp kiểm toán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Đến tháng 5/2024, đã có 6.387 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên của Việt Nam; trong đó, 2.501 người đang làm việc trong các doanh nghiệp kiểm toán.
Từ năm 2013 đến nay, 114 kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán, 3 doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, 3 doanh nghiệp kiểm toán bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Từ năm 2015 đến nay, 67 doanh nghiệp kiểm toán và 8 kiểm toán viên bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm.
Một số trường hợp bị phản ánh là có liên quan đến các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư (như Công ty Kiểm toán Thăng Long – TDK, Công ty Kiểm toán – Tư vấn Tài chính quốc tế… ).
Mới đây nhất, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, hàng trăm tỷ đồng đã bị “rút ruột” khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhưng suốt 10 năm (2012-2022), các báo cáo tài chính của SCB được kiểm toán bởi ba công ty kiểm toán hàng đầu gồm Ernst & Young Việt Nam, Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam, đều không phát hiện ra dấu hiệu bất thường.
Nhiều quốc gia quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực kiểm toán rất lớn. Thậm chí, có những nước không giới hạn số tiền phạt tối đa và thời hiệu xử phạt. Ở Anh năm 2017, Hội đồng Báo cáo tài chính Anh (FRC) phạt Công ty PwC 5,1 triệu bảng Anh, đồng thời kiểm toán viên phụ trách kiểm toán bị phạt 115 nghìn bảng Anh vì thực hiện kiểm toán cho công ty RSM Tenon trong năm 2011 không phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán và quy trình kiểm toán. Công ty Grant Thorton bị xử phạt 4 triệu bảng vì sai phạm trong kiểm toán Công ty Nichols và Trường đại học Salford cho các năm tài chính từ 2013 đến 2018. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/sau-dai-an-scb-bo-tai-chinh-muon-tang-muc-phat-gap-30-lan-voi-kiem-toan-doc-lap-2316077.html