Người Đưa Tin thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng, nhận thấy chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 27/28 ngân hàng trên sàn chứng khoán ghi nhận khoản chi phí này tăng trên 50%. Đáng chú ý, 9 đơn vị còn ghi nhận chỉ tiêu này tăng trên mức 100%.
Dẫn đầu về mức tăng trưởng của chi phí lãi tiền gửi trong quý I/2023 gọi tên Techcombank với mức tăng lên đến gần 186% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận 5.012 tỷ đồng.
Chỉ tiêu trên chiếm đến gần 72% trong cơ cấu chi phí lãi và các chi phí tương tự của nhà băng này và là nguyên nhân chính khiến chi phí lãi tăng đột biến gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, “bào mòn” lợi nhuận Techcombank (giảm 17% so với cùng kỳ năm trước).
Đứng vị trí thứ hai về mức tăng trưởng của chi phí lãi tiền gửi là MSB. Ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này tăng 152% trong 3 tháng đầu năm, đạt hơn 1.849 tỷ đồng khiến lãi thuần từ hoạt động chính của ngân hàng chỉ tăng nhẹ gần 10% trong quý I/2023.
Tiếp đến là TPBank với mức tăng trưởng của chỉ tiêu này lên đến 130% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 3.196 tỷ đồng.
Dù các chi phí khác trong cơ cấu như chi phí trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá và chi phí hoạt động tín dụng khác của TPBank đều giảm so với cùng kỳ, cộng với đa số các khoản thu nhập lãi đều tăng, nhưng vẫn không ngân được sự giảm tốc thu nhập lãi thuần – hoạt động chính của ngân hàng, giảm nhẹ 3,3%.
Một ngân hàng tư nhân có quy mô lớn khác là MB cũng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng 126% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5.186 tỷ đồng.
Cùng với chi lãi tiền vay, chi lãi phát hành giấy tờ có giá và chi các hoạt động tín dụng khác đều tăng cao khiến tổng chi phí lãi và các chi phí tương tự của MB tăng đột biến 118% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí này đã kéo thu nhập lãi thuần của nhà băng chỉ tăng đến gần 22% dù thu nhập lãi và các khoản tương tự đã tăng mạnh đến 50% trong quý I.
Nhóm các ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng trên 100% còn có ABBank và VPBank đều tăng 112%, VIB tăng 110%, HDBank tăng 101% và KienlongBank tăng 100,4%.
Ngoài Bac A Bank là đơn vị duy nhất ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng dưới 50% trong 3 tháng đầu năm với mức tăng 33%, các ngân hàng còn lại trên sàn chứng khoán đều có mức trả lãi tiền gửi tăng trên 50% trong quý vừa qua.
Theo đó, chi phí lãi tiền gửi tại ACB tăng 97,8%, đạt 6.283,8 tỷ đồng, Sacombank tăng 88,2%, đạt 7.461,7 tỷ đồng, Vietcombank tăng 84,7%, đạt 12.909,1 tỷ đồng; SHB tăng 77,7%, đạt 8.939 tỷ đồng; LPBank tăng 77,55%, đạt 3.914 tỷ đồng; NCB tăng 76%, đạt 1.436 tỷ đồng.
Việc chi phí lãi tiền gửi tại các ngân hàng gia tăng đột biến là hệ quả của “cuộc đua” tăng lãi suất huy động trong quý cuối năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 11/2022, lãi suất cao nhất tại VPBank đã lên tới 11,1%/năm. MSB và nhiều ngân hàng khác cũng tăng mạnh lãi suất gửi tiết kiệm lên 9%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
Đến tháng 12/2022, lãi suất huy động một lần nữa đạt đỉnh khi NCB điều chính trả lãi cao nhất 12,25%/ năm, cho kỳ hạn từ 12 tháng. Kỳ hạn 10 tháng cũng được trả lãi lên tới 12,15%.
Ngoài ra, lãi suất tại ABBank cũng tăng mạnh lên tới 11,5%/năm. Lãi suất này được ABBank áp dụng cho 1 khoản tiền gửi nhất định kỳ hạn 13 tháng.
Ngoài chi phí trả lãi tiền gửi, nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở đa số các ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm tốc trong quý đầu năm 2023.