Ngày 27/5, truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ngày 22/5 tại Nhà Trắng. (Nguồn: Reuters) |
Theo các nguồn thạo tin, Nhà Trắng và các nhà đàm phán đã đạt một thỏa thuận trên nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút trong ngày 27/5 để thảo luận về thỏa thuận.
Nếu được Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, trước khi Bộ Tài chính hết ngân sách để trang trải các chi phí vào ngày 5/6 tới.
Các nguồn tin trên cho biết, theo thỏa thuận, mức chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi đối với tài khóa hiện tại và tài khóa 2024. Hiện chưa có giới hạn ngân sách sau năm 2025. Nhóm đàm phán vẫn đang nỗ lực hoàn tất nội dung thỏa thuận.
Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào tháng 6 tới. Trước đó, hai bên đều giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này.
Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Họ cho rằng, không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid – chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Ngày 26/5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, Bộ Tài chính ước tính sẽ không còn nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ nếu Quốc hội không nâng trần nợ công (hiện ở mức 31.400 tỷ USD) trước ngày 5/6.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cảnh báo, kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc, kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo…