Bắt đầu thực hiện từ năm 2019, Chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ đã dần lan tỏa, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm, bước đầu giúp phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP này chủ yếu là sơ chế hoặc chế biến đơn giản. Thêm vào đó mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, chưa biết kể ra câu chuyện sản phẩm thể hiện sự khác biệt, chưa tìm tòi các kênh thương mại mới nên tạo ra giá trị gia tăng thấp.
Các chủ thể đa số sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, phát triển từ nông hộ, sản xuất còn theo tư tưởng tiểu nông, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đồng đều và số lượng lớn, liên tục.
Một số sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa phát huy được hiệu quả bởi chủ thể không biết quảng bá hoặc đảm bảo chất lượng tốt như ban đầu nên khó giữ chân được khách hàng. Một số chủ thể còn chưa thấy được ý nghĩa của việc tham gia OCOP nên sản phẩm của mình đến thời hạn đánh giá lại cũng không quan tâm, để ý làm hồ sơ.
Năm 2024, Phú Thọ phấn đấu có thêm 80 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, phát triển mới 45 – 50 chủ thể có tiềm năng tham gia vào chương trình. Tỉnh định hướng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP đáp ứng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, gia tăng về giá trị.