Sau ca ghép, tới ngày thứ 3, bệnh nhân đã đứng dậy tập đi trong 4 phút liên tục, đến ngày thứ 5, thời gian bệnh nhân đi được liên tục tăng lên 15 phút, điều này giúp cho phổi nở tốt hơn.
Chiều 15-2, Bệnh viện Phổi Trung ương đã họp báo thông tin về ca ghép phổi đầu tiên thành công tại bệnh viện vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua.
Tới dự buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, đây là tin vui đầu năm, là dấu ấn đối với ngành ghép mô, tạng của Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế chúc mừng nữ bệnh nhân được ghép phổi, đồng thời ghi nhận, tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của nam thanh niên 26 tuổi đã hiến 8 tạng cứu sống nhiều người bệnh, trong đó có 2 lá phổi giúp cô gái trẻ bị bệnh phổi hiểm nghèo được hồi sinh nhờ ghép phổi.
Chia sẻ về ca ghép phổi này, ông Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ca ghép phổi này được thực hiện vào ngày 10-2 (tức 30 tháng Chạp năm Quý Mão). Người được ghép phổi là một nữ sinh viên (21 tuổi, quê ở Bắc Kạn) mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp.
“Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi”, ông Đinh Văn Lượng chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép phổi này đã thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép phổi UCSF, Mỹ. Sau ca ghép, tới ngày thứ 3, bệnh nhân đã đứng dậy tập đi trong 4 phút liên tục, đến ngày thứ 5, thời gian bệnh nhân đi được liên tục tăng lên 15 phút, điều này giúp cho phổi nở tốt hơn.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, thành công nhất của ca ghép phổi này được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới và góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam.
NGUYỄN QUỐC