Bộ Tài chính cho biết, sáng ngày 6.9 tại Cần Thơ, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến tham gia đối với Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi” nhằm thu thập ý kiến của cơ quan trung ương và địa phương trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10.2024.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3.6.2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2009 (thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào năm 2013, năm 2014 và năm 2020.
Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế xã hội của đất nước và đạt được các kết quả quan trọng.
Ông Trương Bá Tuấn khẳng định, Luật thuế TNDN đã thực hiện xóa bỏ triệt để sự đối xử phân biệt về chính sách thuế TNDN giữa các thành phần kinh tế, loại hình DN; thực hiện giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông. Cùng với đó, Luật đã điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quá trình cải cách chính sách thuế TNDN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo các định hướng ưu tiên đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo đó, Luật thuế TNDN đã tiếp tục thực hiện giảm mức thuế suất phổ thông thuế TNDN từ 25% xuống 22% từ 1.1.2014, riêng các DN quy mô nhỏ được áp dụng mức 20% ngay từ 1.7.2013. Từ ngày 1.1.2016, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình DN là 20%.
Tuy nhiên, theo sự phát triển kinh tế – xã hội, Luật Thuế TNDN đã bộc lộ một số hạn chế như chưa đáp ứng được các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, cũng như đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật,…
Để thể chế hóa chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, nhằm đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, Chính phủ đã xây dựng hồ sơ dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) theo đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong thời gian qua, dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/sau-15-nam-luat-thue-tndn-boc-lo-mot-so-han-che-1390207.ldo