SGGP
Nhiệt độ trung bình toàn cầu lần đầu tiên tăng hơn 20 C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là số liệu được Cơ quan giám sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu công bố ngày 21-11.
Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào ngày 17-11 vừa qua cao hơn 2,070 C so với mức trung bình trong thời kỳ từ năm 1850-1900, và đây cũng là mức tăng cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Tháng 9 vừa qua, C3S nhận định, năm 2023 gần như chắc chắn sẽ vượt kỷ lục năm nóng nhất ghi nhận vào năm 2016, với nền nhiệt có thể chưa từng thấy trong lịch sử, nhiều khả năng là nóng nhất trong hơn 100.000 năm. Riêng tháng 10 vừa qua có nền nhiệt cao hơn 1,70 C so với mức trung bình tháng 10 trong thời kỳ tiền công nghiệp.
Cùng ngày, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã công bố báo cáo về Khoảng cách phát thải hàng năm, trong đó cảnh báo hành tinh đang trên đà nóng lên một cách nhanh chóng từ 2,50 C đến 2,90 C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100. Nếu chỉ dựa vào chính sách và nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay, Trái đất sẽ nóng thêm tới 30 C, vượt xa các giới hạn then chốt mà Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu đặt ra. Những số liệu mới nhất nói trên đang khiến vấn đề giải quyết khí thải methane trở thành điểm nóng mới tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Theo kế hoạch, COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 12-12 tới tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các cuộc thảo luận về khí hậu thường xoay quanh việc giảm CO2 – loại khí nhà kính nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, methane (CH4) – một loại khí thải khác có khả năng khiến Trái đất ấm lên và được ví là sát thủ giấu mặt sau CO2 – đang trở thành điểm nóng mới trong các cuộc thảo luận tại COP28. Ở cấp quốc gia và khu vực, năm 2021, Liên minh châu Âu và Mỹ đã triển khai Cam kết khí methane toàn cầu, nhằm mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% lượng khí thải methane trên toàn thế giới, so với mức của năm 2020.
Cả Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đưa khí methane vào các kế hoạch hành động về khí hậu. Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí lớn cũng đề xuất Sáng kiến Khí hậu trong lĩnh vực dầu khí nhằm đến năm 2030 đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đối với các hoạt động khai thác và sản xuất.
Methane có nhiều trong tự nhiên và là thành phần chính của khí tự nhiên. Đây là tác nhân lớn thứ hai gây ra biến đổi khí hậu, đóng góp khoảng 16% vào tình trạng nóng lên toàn cầu. Khí methane tồn tại trong khí quyển chỉ khoảng 10 năm, nhưng có tác động làm nóng lên mạnh hơn nhiều so với CO2. Cụ thể, trong 100 năm, tác động làm Trái đất nóng lên của methane cao gấp 28 lần so với CO2. Nếu tính trong 20 năm, thì mức chênh lệch là 80 lần.